Có thể khống chế căn bệnh này bằng cách dùng thuốc. Tuy nhiên, sử dụng lâu dài thuốc trị tăng huyết áp cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Khi nào cần điều trị tăng huyết áp?
Theo các chuyên gia tim mạch, chỉ số huyết áp tốt nhất là 120/80mmHg. Những trường hợp tăng huyết áp là khi chỉ số này cao hơn 140/90mmHg.
Hiện nay, có khá nhiều thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp được lưu hành trên thị trường và được chia thành nhiều nhóm như: nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc chẹn alpha, nhóm thuốc chẹn beta, nhóm thuốc ức chế men chuyển, nhóm thuốc đối kháng canxi, nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II...
Mỗi nhóm thuốc có đặc tính khác nhau và sẽ phù hợp cho từng trường hợp bệnh khác nhau.
Việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp giúp người bệnh có thể kiểm soát và duy trì huyết áp ở mức ổn định.
Kể cả khi huyết áp trở về bình thường, vẫn phải dùng thuốc bởi nếu ngừng uống thuốc, huyết áp có thể tăng đột ngột bất cứ lúc nào và có thể gây ra những biến chứng về bệnh tim mạch như đột quỵ, tai biến... nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, việc tuân thủ dùng thuốc trong điều trị tăng huyết áp là rất quan trọng.
Một số bất lợi của thuốc trị tăng huyết áp.
Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc hạ huyết áp
Khi sử dụng thuốc tăng huyết áp có thể gặp một số tác dụng phụ sau:
Ho: Đây là một trong các tác dụng phụ thường gặp của thuốc nhóm ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp. Theo thống kê, có khoảng 10 - 15% các bệnh nhân tăng huyết áp có biểu hiện ho khi dùng thuốc này.
Một số thuốc nhóm ức chế men chuyển bao gồm coversyl, lotensin, monopril, prinivil, zestril, accupril, altace, vasotec, capoten... Khi gặp tác dụng phụ này người bệnh cần báo cho bác sĩ biết để được thay thế thuốc khác.
Mệt mỏi và chóng mặt: Khi mới dùng thuốc, bệnh nhân có thể có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt nhất là đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể sử dụng nếu biểu hiện này nhanh chóng biến mất và tình trạng được cải thiện.
Cảm giác mệt mỏi và chóng mặt sẽ dần mất đi sau 3 - 5 tuần dùng thuốc. Nếu tình trạng này kéo dài, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem có cần thay đổi thuốc hay không.
Đi tiểu thường xuyên: Việc dùng thuốc huyết áp nhóm lợi tiểu, số lần đi tiểu của người bệnh sẽ tăng lên, do vậy không nên uống thuốc vào buổi tối mà nên uống vào ban ngày để không bị mất ngủ.
Chứng loạn nhịp tim: Nhóm thuốc lợi tiểu giúp làm giảm hàm lượng kali trong máu thường được kê cho những bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp còn có thể dẫn đến chứng rối loạn nhịp tim.
Suy giảm chức năng tình dục:Rất nhiều nam giới gặp phải tình trạng khó cương cứng khi dùng thuốc điều trị huyết áp. Theo các chuyên gia thì đa phần thuốc điều trị tăng huyết áp đều có tác dụng phụ này, thậm chí đây còn là nguyên nhân gây bất lực ở một số nam giới.
Để khắc phục, nhiều người tự ý mua viagra về dùng. Tuy nhiên, đây là việc làm không đúng vì lạm dụng viagra có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, thậm chí còn dẫn đến các rối loạn nghiêm trọng về tim mạch.
Giữ nước: Bệnh nhân sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp dạng đối kháng calci như amlodipine hoặc nifedipine thường có những biểu hiện như phù chân. Tuy nhiên, đây là tác dụng phụ của thuốc, do cơ chế giữ nước của thuốc trong cơ thể gây ra.
Dị ứng: Đây là tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc điều trị tăng huyết áp nhưng lại rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể gặp các biểu hiện như phù ở mặt, cổ, tắc đường thở... thậm chí gây nên tình trạng khó thở. Đối với những trường hợp này phải lập tức đưa vào viện cấp cứu.
Khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân tăng huyết áp cần theo dõi chặt chẽ, nếu có biểu hiện khác lạ lập tức báo cho thầy thuốc để có hướng xử trí kịp thời, tránh tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.
Tăng huyết áp dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định, người bệnh cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách phòng tránh những nguyên nhân làm tăng huyết áp như xúc động mạnh, căng thẳng thần kinh...
Đồng thời, người bệnh cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục hàng ngày, luôn vui vẻ, yêu đời để duy trì huyết áp ổn định.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!