Nhận diện căn bệnh khiến gần 2 triệu người mắc mỗi năm thường bị bỏ qua

Các bệnh - 11/24/2024

Nhiều người thường nhầm bệnh này với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũĩ, nghẹt mũi...

Mới đây, tại Hội nghị 'Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019', các chuyên gia cho biết, các bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa đông - xuân là cúm, sởi, ho gà, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella… Trong đó, cúm mùađược coi là một trong những bệnh đáng sợ nhất vì dễ lây lan, bùng phát thành dịch và để lại nhiều biến chứng nặng nề.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Nhận diện căn bệnh khiến gần 2 triệu người mắc mỗi năm thường bị bỏ qua

Cúm mùa là bệnh hay gặp mùa đông - xuân, nhất là ở trẻ em. Ảnh minh họa

Những đối tượng dễ mắc cúm mùa thường là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ bị suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Bên cạnh đó, người già trên 65 tuổi; người mắc các bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp; phụ nữ có thai; người bị suy giảm miễn dịch (bệnh nhân đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS) cũng dễ mắc căn bệnh này.

Về dấu hiệu cúm mùa, TS Nguyễn Văn Lâm cho biết, nhiều người thường nhầm bệnh này với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, cần lưu ý, các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Theo đó, trẻ em hoặc người lớn, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng ban đầu có thể là: Sốt; có cảm giác ớn lạnh; nhức đầu; đau nhức cơ bắp; chóng mặt; ho; đau họng; chảy nước mũi; cơ thể mệt mỏi; buồn nôn; chán ăn; tiêu chảy…

Với những người mắc cúm, thông thường sau khoảng 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất, chỉ còn ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ hết trong vòng một hoặc hai tuần.

Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ gặp biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Chẳng hạn, đối với trẻ nhỏ, khi bị cúm có thể kèm theo sốt cao gây nên tình trạng co giật. Nếu không xử lý sớm sẽ dẫn tới tổn thương về thần kinh khó phục hồi. Ngoài ra, trẻ em cũng có thể bị nhiều biến chứng của cúm như viêm tai giữa, tiêu chảy kéo dài...

Trường hợp phụ nữ mang thai bị cúm sẽ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật (nhất là khi mẹ bị cúm trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ). Bên cạnh đó, khi bị cúm, nếu sốt cao cộng với độc tính của virus cúm cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh cúm, trong đó có từ 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong.

Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc cúm. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.

Nhận diện căn bệnh khiến gần 2 triệu người mắc mỗi năm thường bị bỏ qua

Theo các chuyên gia, tiêm vaccine là biện pháp phòng cúm mùa hữu hiệu nhất. Ảnh: TL

Do đó, để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Bên cạnh đó, tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh. Theo Bộ Y tế, tiêm phòng vaccine cúm là biện pháp dự phòng hiệu quả làm giảm 89% nguy cơ lây nhiễm cúm ở người khỏe mạnh; giảm 57% nguy cơ nhập viện và 67% nguy cơ tử vong ở tuổi già. Bên cạnh đó, giảm 41% nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em.

Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Khi nào nên tiêm vaccine cúm?

Theo các chuyên gia, khi trẻ trên 6 tháng tuổi, bố mẹ đã có thể cho trẻ đi tiêm phòng cúm. Với những trẻ dưới 9 tuổi, nên tiêm 2 mũi khi tiêm lần đầu (mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 4 tuần).

Người lớn và trẻ đã từng tiêm phòng cúm mỗi năm tiêm 1 mũi vì virus cúm thay đổi hàng năm. Nên tiêm đón đầu trước mùa bệnh từ 1-2 tháng để đạt hiệu quả cao nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!