Nhậu nhiều: coi chừng mắc hội chứng trái tim ngày nghỉ

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/27/2024

Việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn, món ngọt, đồ mặn và rượu có thể gây hại cho cơ thể và dẫn đến hội chứng “trái tim ngày nghỉ”.

Năm mới là thời gian đoàn viên bên gia đình và bạn bè nhưng chính thời gian nghỉ lễ này cũng là lúc mà bạn ăn uống xả láng nhất. Việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn, món ngọt và rượu có thể gây hại cho cơ thể và dẫn đến” hội chứng trái tim ngày nghỉ”.

Hội chứng trái tim ngày nghỉ là gì?

Một nghiên cứu vào năm 1987 trên 24 người cho thấy họ phải nhập viện là vì rung nhĩ do hội chứng “trái tim ngày nghỉ”. Đây là cơn nhịp nhanh trên tâm thất với các triệu chứng như đánh trống ngực, khó thở, đau ngực, choáng, đột quỵ và suy tim. Tất cả 24 bệnh nhân đều tương đối khỏe mạnh nhưng nguyên nhân khiến họ mắc hội chứng này là vì sự lạm dụng rượu bia trong ngày lễ.

Tại sao khi uống rượu bia quá nhiều trong một thời gian ngắn lại có thể gây loạn nhịp tim?

Phụ nữ uống rượu nhiều là với số lượng hơn 7 ly rượu mỗi tuần hoặc hơn 3 ly một lần uống. Đối với nam giới, lượng lớn rượu bia là hơn 14 ly mỗi tuần hoặc hơn 4 ly tại cùng một thời điểm. Trong đó, một ly khoảng bằng một lon bia 350 ml, 1 ly rượu vang 150 ml hoặc 44 ml rượu mạnh trên 40°.

Rượu chỉ tốt cho tim khi dùng với số lượng vừa phải. Mức độ phù hợp cho phụ nữ là 1-2 ly rượu vang nhỏ mỗi ngày (khoảng 15 g) và với nam giới là 1-3 ly (khoảng 30g). Với lượng này, rượu sẽ phát huy tác dụng bảo vệ tim mạch và giảm các bệnh như động mạch vành, mạch máu não và mạch máu ngoại biên.

Khi tiêu thụ một lượng lớn rượu bia vào cơ thể, lượng cồn trong máu tăng rất nhanh kích thích cơ thể sản xuất ra hormone adrenalin. Đây là hormone gây cao huyết áp, tăng nồng độ của các axit béo tự do, rối loạn xung điện tim thông qua sự lưu chuyển natri trong và ngoài tế bào làm tổn thương cơ tim, giảm mức độ của natri, kali và magiê máu trong cơ thể thông qua bài niệu.

Một số nguy cơ gây nên hội chứng trái tim ngày nghỉ

Bên cạnh rượu, ăn uống quá đà cũng là yếu tố nguy cơ gây ra rung nhĩ. Khi bạn ăn một lượng lớn thực phẩm, dạ dày và ruột sẽ bị quá tải và căng phồng, kích hoạt “dây thần kinh lang thang” hay còn có tên gọi khác là hệ đối giao cảm. Đây là hệ thần kinh giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn, nghỉ ngơi và ngủ. Lúc này nhịp tim sẽ đập chậm. Tuy nhiên, ở những người bị rung nhĩ, một phần nhỏ tâm nhĩ lại đập rất nhanh dẫn đến nhịp tim bất thường. Những chỗ này thường ở trong các tĩnh mạch nhỏ đưa máu từ phổi vào tâm nhĩ trái.

Một vấn đề khác cũng gây ra rung nhĩ là ăn quá mặn. Cơ thể chúng ta cần muối nhưng khi tiêu thụ với lượng nhiều sẽ bị trữ nước và tăng áp lực máu. Ở những người có bệnh sử huyết áp cao, các vấn đề van tim hoặc suy tim, tăng huyết áp và các dịch trong cơ thể, tâm nhĩ của họ sẽ bị dãn ra làm tăng nguy cơ rung nhĩ.

Nguy cơ cuối cùng là chấn thương tim hoặc đau tim. Thực tế thì số người chết do đau tim vào ngày 25 tháng 12 cao hơn so với các ngày khác trong năm, xếp theo sau là ngày 26 tháng 12, ngày 01 tháng 01 và 10 ngày tết âm lịch.Nhiều khả năng đã được đưa ra để trả lời cho câu hỏi tại sao những cơn đau tim lại xảy ra trong những ngày nghỉ. Đó có thể là do không được chăm sóc sức khỏe tim mạch kịp thời, thời tiết lạnh, tâm trạng buồn bã, trầm cảm, tuyệt vọng hoặc do một số vấn đề ăn uống nêu trên.

Phải làm gì để phòng tránh hội chứng trái tim ngày nghỉ?

Đầu tiên, nếu có bất kỳ triệu chứng nào về tim thì bạn hãy đến bệnh viện để được kiểm tra sớm. Tiếp đó, bạn không nên uống nhiều rượu, ăn nhiều thực phẩm cùng một lúc cũng như hạn chế việc thêm muối vào bữa ăn, đặc biệt là thức ăn chế biến sẵn. Cuối cùng, nếu trong số bạn bè hoặc người thân có người đang cảm thấy chán nản, cô đơn hoặc lủi thủi một mình trong mùa nghỉ lễ, bạn hãy đến thăm và khích lệ tinh thần họ. Đây vừa là món quà ý nghĩa mà bạn dành tặng bạn bè và người thân, vừa là cách chăm sóc sức khỏe tim mạch cho cả bạn và họ đấy.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!