Làng Đông Mai (Hưng Yên) bị ô nhiễm chì nặng do công việc tái chế pin, ắc quy. Các mẫu đất, nước và không khí đều cho thấy chứa lượng chì lớn. Theo Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, đến nay có hơn 200 trẻ trong làng (97%) bị nhiễm độc chì, trong đó 33 trường hợp nhiễm độc nặng đã tiến hành sàng lọc. Tuy nhiên, nếu môi trường sống vẫn tiếp tục chưa được cải thiện, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, số bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng lên.
Việc tái chế chì từ pin ắc quy cũ có nguy cơ gây nhiễm độc chì cho bản thân và những người xung quanh
Chì là gì?
Chì là một kim loại nặng có màu xám xanh, được sử dụng trong rất nhiều hoạt động sản xuất của con người như chế tạo xe hơi, đạn dược, thuốc nhuộm… Chì rất dễ tích tụ vào nước và đất, gây ảnh hưởng đến con người và sinh vật trong khu vực.
Những con đường nhiễm độc chì
Khi sinh sống ở những khu vực ô nhiễm chì, bạn có thể tích tụ lượng chì lớn trong cơ thể bằng nhiều con đường khác nhau. Trước hết là qua đường hô hấp, việc hít thở nguồn không khí nhiễm chì sẽ đưa kim loại này vào cơ thể, chủ yếu ở phổi và máu.
Việc ăn các thực phẩm nhiễm chì hoặc mút chì dính trên tay sẽ khiến cơ thể tích tụ độc tố. Một số thuốc không rõ nguồn gốc có chứa chì như thuốc cam, người dùng trực tiếp đưa chất độc vào trong. Khi đói, lượng chì chuyển vào máu đến 60%, với người no thì chỉ 6%.
Rau muống trồng tại sông có nguy cơ nhiễm độc chì
Ngoài ra, chì có thể xâm nhập qua các vết thương hở. Độc tố dễ lây lan sang các cơ quan trong cơ thể, tích tụ lâu trong răng và xương, thậm chí lên đến hàng chục năm.
Thực trạng ngộ độc chì tại Việt Nam
Hiện nay, chưa có con số thống kê cụ thể các trường hợp nhiễm độc chì tại Việt Nam. Riêng Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 797 trường hợp có biểu hiện ngộ độc chì, có đến 179 trẻ chứa lượng chì trong máu quá lớn trong 2 năm 2013-2014. Số trẻ bị nhiễm độc chủ yếu do cha mẹ dùng thuốc cam, hít sơn pha chì và do môi trường ô nhiễm. Số lượng bệnh nhân vào trung tâm có chiều hướng giảm đi với 2.550 nạn nhân giai đoạn 2011 – 2012.
Đốt lò để tái chế chì
Ảnh hưởng của chì đến sức khoẻ
Theo các chuyên gia, người lớn hấp thụ chì thấp hơn trẻ nhỏ. Khi nhiễm độc chì, người lớn có thể chữa khỏi hoàn toàn, trẻ em lại dễ phải chịu ảnh hưởng xấu hơn. Với ngộ độc nhẹ, trẻ bỏ ăn, hay quấy khóc, không nghe lời. Người lớn ăn không ngon, trí nhớ kém, khó ngủ, khả năng làm việc giảm. Với các trường hợp nhiễm độc nặng trẻ có thể bị liệt, co giật và hôn mê, người lớn bị suy thận.
PGS.TS Phạm Duệ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vì ngộ độc chì 1 cháu bé 5 tuổi đã bị ảnh hưởng đến trí tuệ. Đến năm 11 tuổi cháu mới tự lấy quần áo tắm, 17 tuổi mới có thể viết được những chữ cái đầu tiên.
Cuối năm 2014, cháu B.N.P, (31 tháng tuổi, Hòa Bình) được đưa tới Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng co giật, tím tái. Do 2 tháng liên tiếp dùng thuốc cam, cháu đã bị ngộ độc chì. Trong 1 năm, cháu từng phải nhập viện gần chục lần. Việc điều trị vô cùng gian nan.
Thuốc chứa chì cũng khiến 5 người trong một gia đình ở Nam Định ngộ độc nặng. Sau 10 ngày sử dụng, cả nhà cảm thấy mệt mỏi, đau nhức, cháu nhỏ nhắt bị co giật và tử vong trước khi đến bệnh viện.
\
Nhiều nơi tại Việt Nam vẫn nấu chì từ pin, bình ắc-quy
Năm 2012, cháu H. (8 tháng tuổi, Hà Nội) đã tử vong do nhiễm độc chì từ thuốc cam. Năm 2011, thuốc bổ chứa chì cũng khiến ba chị em ruột phải nhập viện, trong đó bé nhỏ nhất không qua khỏi. Hai em còn lại bị ngộ độc chì nặng với các biểu hiện tổn thương não và hệ tiết niệu.
Để phòng tránh nhiễm độc chì, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không cho trẻ dùng thuốc lạ, chọn các sản phẩm, thiết bị không chứa chì. Gia đình làm các nghề liên quan đến chì cần có biện pháp bảo hộ, tránh xa khu dân cư, bảo vệ trẻ nhỏ.
>> Xem thêm: Sớm tách hàng trăm trẻ nhiễm chì khỏi làng nghề
Ảnh minh họa: Internet
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!