Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Bệnh dễ mắc khi trời lạnh

Cần biết - 11/24/2024

Vào mùa đông, thời tiết lạnh làm cho các bệnh đường hô hấp phát triển. Bệnh nhân đến khám điều trị nội và ngoại trú vì các bệnh này thường tăng cao. Tại sao lại như vậy? Có cách nào để phòng tránh?

Tại sao thời tiết lạnh dễ mắc bệnh đường hô hấp?

Hệ hô hấp của chúng ta được tính bắt đầu từ cửa mũi trước đến tận các phế nang trong phổi. Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản, có chức năng chủ yếu là lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Các bộ phận của đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, phế nang trong phổi), một phần chức năng thực hiện lọc không khí và phần chức năng còn lại là trao đổi khí.

Hệ hô hấp là cơ quan tiếp xúc với không khí nên rất nhạy cảm với thời tiết. Thời tiết lạnh ẩm của mùa đông là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển. Mùa đông lạnh cũng khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm… Tất cả những điều này làm cho tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp tăng lên. Hơn nữa, ở trên đường hô hấp cũng có những vi khuẩn ký sinh. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh hay sức đề kháng giảm thì nó trở thành nguyên nhân gây bệnh.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Bệnh dễ mắc khi trời lạnh

Tác nhân nào gây bệnh?

Nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp là do các virus, vi khuẩn (liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, phế cầu khuẩn) và một số loại nấm...

Các vi khuẩn, virus sẽ cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng, xâm nhập vào tế bào niêm mạc, nhân bản rồi phá huỷ tế bào và lây lan sang tế bào bên cạnh. Cơ thể sẽ kháng cự lại với các kháng thể IgA sẵn có và đội quân bạch cầu bảo vệ. Thông thường tế bào niêm mạc hô hấp bị tổn thương và bị virus phá huỷ nhưng sau khoảng 2 tuần lớp tế bào mới lại mọc lên và đẩy lùi virus. Nhưng trong một số trường hợp, cơ thể tiêu diệt không hiệu quả, virus từ đường hô hấp trên sẽ nhân bản và xâm nhập xuống tận đường hô hấp dưới, vào máu gây nhiều bệnh biến thể khác.

Ngoài ra, viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên khác nhau như do dị ứng thời tiết, dị ứng với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hoặc hút hay hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra)…

Biểu hiện như thế nào?

Khi bị viêm đường hô hấp người bệnh thường có các triệu chứng: Sốt cao, hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, nhức mỏi...

Đối với các bệnh đường hô hấp trên, đặc điểm quan trọng là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Chính vì thế mà sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Đi kèm với sốt là hắt hơi, sổ mũi, người bệnh hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Sau đó người bệnh sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi. Khi virus gây bệnh ở thanh quản thì bệnh nhân sẽ bị khàn tiếng đến tắt tiếng vì dây thanh âm bị phù nề, viêm nhiễm...

Những đối tượng nguy cơ cao

Những bệnh hô hấp thường gặp mùa lạnh là: Cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính như hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… dễ tái phát những đợt cấp tính.

Cúm ác tính là một trong những bệnh hô hấp nguy hiểm nhất. Cảm cúm phần lớn là tự hết mà chưa có thuốc đặc trị, nhưng cúm ác tính có thể dẫn đến tử vong mà không có dấu hiệu báo trước. Bên cạnh đó, bệnh viêm phổi cũng rất nặng nề đối với trẻ nhỏ vì nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong. Đối với người lớn mắc viêm phổi hầu hết phải điều trị nội trú. Ngoài ra, hen suyễn và COPD cũng là những bệnh nguy hiểm, gây tử vong nếu vào đợt cấp mà không nhập viện kịp thời.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Bệnh dễ mắc khi trời lạnh

Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.

Trẻ em và người già là những đối tượng rất dễ mắc bệnh:

Trẻ em, nhất là trẻ dưới sáu tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh. Trẻ khi mắc bệnh thường diễn biến nặng và khó lường. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm phổi, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.

Thời tiết lạnh ẩm của mùa đông là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển, cộng với sức đề kháng của cơ thể suy giảm… làm cho tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp tăng lên.

Đối với người cao tuổi, nguyên nhân mắc bệnh thường gặp nhất là sự thay đổi thời tiết, thời tiết lạnh, làm tái phát các bệnh mạn tính của hệ hô hấp. Các yếu tố ô nhiễm môi trường, các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng, nhất là các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu, khiến cho đối tượng này rất dễ mắc bệnh hô hấp. Bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ, và thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao người cao tuổi thường đi khám muộn, khi bệnh đã nặng.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng là đối tượng cần quan tâm vì sức đề kháng trong giai đoạn mang thai yếu hơn bình thường. Hơn nữa, khi mắc cảm cúm, đối tượng này thường phải hạn chế dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu với phụ nữ mang thai, bằng cách hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp. Những phụ nữ có bệnh hô hấp mạn tính cũng cần theo dõi và kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe trong giai đoạn mang thai.

Cách nào để phòng bệnh?

Với người khỏe mạnh không được chủ quan, cần đảm bảo chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất, các nhóm dinh dưỡng, tăng cường vận động, luyện tập, bổ sung vitamin trong trái cây, rau củ quả... để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Giữ ấm cho cơ thể khi trời lạnh và khi tắm không để nhiễm lạnh. Đối với trẻ em, tránh cho trẻ đi chơi, ra ngoài vào những lúc trời lạnh… Vì chỉ cần bị lạnh là cơ thể suy giảm sức đề kháng, sẽ làm cho vi khuẩn, virus cộng sinh trong cơ thể sẽ có cơ hội phát triển gây bệnh.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng để loại trừ vi khuẩn, virus… khỏi đôi bàn tay, do đó các tác nhân này không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp; nhà ở cần thông thoáng, ít bụi bẩn.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Bệnh dễ mắc khi trời lạnh

Rửa tay bằng xà phòng để loại trừ vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp.

Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh khạc nhổ bừa bãi; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân; đeo khẩu trang cách ly với mầm bệnh; tránh những yếu tố nguy cơ như hút thuốc, nhất là trên đối tượng mắc COPD…

Tiêm phòng vắc-xin. Việc tiêm phòng hay uống vắc xin làm cho cơ thể nâng đáp ứng miễn dịch với virus hay vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Đối với trẻ em, cần được tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp như: Cúm, rubella, viêm phổi do phế cầu, sởi, ho gà… để được bảo vệ một cách tối đa.

Với những đối tượng có nguy cơ phải có sự tư vấn của bác sĩ, tuân thủ điều trị, sử dụng đều đặn và đầy đủ đơn thuốc của bác sĩ đối với những bệnh mạn tính để tránh trường hợp bệnh tái phát nặng hơn...

Tất cả những cách dự phòng trên, tuy đơn giản nhưng lại giúp ta phòng tránh tốt với những bệnh thuộc về hệ hô hấp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!