Nhiễm trùng huyết là gì?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Đây là một trong những triệu chứng nhiễm trùng vô cùng nghiêm trọng.

Khái niệm cơ bản

Nhiễm trùng huyết là một phản ứng mạnh đối với nhiễm khuẩn. Cơ thể sẽ sản sinh các hóa chất đưa vào máu để chống lại các mối đe dọa. Điều này khiến viêm lan rộng, theo thời gian, có thể làm chậm lưu lượng máu và tổn thương các cơ quan. Đôi khi nhiễm trùng huyết có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt nếu nó chuyển sang giai đoạn cuối - nhiễm trùng huyết nặng hoặc sốc nhiễm trùng. Điều quan trọng là cần nhận được sự giúp đỡ càng sớm càng tốt nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng huyết.

Triệu chứng

Triệu chứng ban đầu gồm sốt và mệt mỏi, uể oải, yếu hoặc lú lẫn. Bạn có thể nhận thấy nhịp tim và nhịp thở của bạn nhanh hơn bình thường. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng huyết có thể gây tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể, gây khó thở, khiến bạn bị tiêu chảy, nôn và làm xáo trộn suy nghĩ của bạn.

Nhiễm trùng huyết là gì?

Nhiễm trùng huyết là một phản ứng mạnh đối với nhiễm khuẩn

Ai có thể bị nhiễm trùng huyết?

Nhiễm trùng huyết phổ biến nhất ở người cao tuổi, những người bị bệnh kéo dài (như tiểu đường hay ung thư), những người có hệ miễn dịch suy giảm và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi. Nếu bạn bị nhiễm trùng huyết bạn sẽ phải tới bệnh viện để được điều trị phù hợp.

Cách thức gây bệnh

Bạn không thể lây nhiễm trùng huyết từ người khác. Nó xảy ra trong cơ thể của bạn, khi bạn đã bị nhiễm trùng sẵn có - như ở da, phổi hoặc đường tiết niệu - lan rộng và gây ra phản ứng của hệ miễn dịch có ảnh hưởng đến cơ quan hay hệ thống khác. Hầu hết các loại nhiễm trùng không dẫn đến nhiễm trùng huyết.

Nhiễm trùng huyết và mang thai

Rất hiếm, nhưng nhiễm trùng huyết có thể xảy ra khi bạn mang thai hoặc ngay sau khi mang thai. Nhiễm trùng có thể do các vi khuẩn phát triển trong âm đạo khi mang thai, hoặc do nhiễm trùng trong quá trình sinh thường, mổ đẻ hoặc phá thai.

Nhiễm trùng huyết từ vết thương và bỏng

Vết thương, vết loét, hoặc vết bỏng làm tăng khả năng bị nhiễm trùng huyết. Khi da của bạn bị rách, vi khuẩn bên ngoài có thể xâm nhập vào trong cơ thể. Bị bỏng trên diện rộng cũng có thể khiến cho hệ miễn dịch của bạn bị tổn thương nghiêm trọng. Phần lớn các trường hợp, bạn sẽ không bị nhiễm khuẩn huyết khi có một vết cắt hay bị thương. Cơ thể của bạn thường có thể tự hồi phục, cùng với việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ nếu cần thiết.

Nhiễm trùng huyết là gì?

Nếu không may bị nhiễm trùng huyết bạn phải đến bệnh viện để được điều trị ngay (Ảnh minh họa: Internet)

Nhiễm khuẩn huyết do MRSA

MRSA (Staphylococcus aureus kháng methicillin) là nhiễm tụ cầu kháng nhiều loại kháng sinh. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết. Khi  ở trên da, MRSA không gây bất kỳ vấn đề nào. Nhưng nếu chúng xâm nhập vào cơ thể qua vết thương thì sẽ gây bệnh.

Sốc nhiễm trùng

Giai đoạn nặng nhất của nhiễm trùng huyết được gọi là sốc nhiễm trùng. Tim và hệ tuần hoàn bắt đầu suy và huyết áp giảm. Điều này làm giảm lưu lượng máu tới tất cả các bộ phận của cơ thể, và chúng bắt đầu hoạt động kém đi. Bạn phải nhập khoa hồi sức tích cực tại bệnh viện để được chăm sóc liên tục.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán nhiễm trùng huyết, bác sĩ sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi và khám cẩn thận. Bạn có bị sốt không? Nhịp tim của bạn là bao nhiêu? Bạn có thở nhanh không? Suy nghĩ của bạn có rõ ràng hay bạn cảm thấy lú lẫn? Bác sĩ cũng sẽ làm các xét nghiệm máu, và nếu cần có thể xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang hay chụp cộng hưởng từ. Bạn được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì càng tốt.

Điều trị

Điều trị sớm và tích cực là tốt nhất. Bạn có thể nhập vào phòng điều trị bình thường hoặc phòng chăm sóc tích cực. Bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng. Bạn cũng sẽ được truyền dịch đường tĩnh mạch, thở oxy và thuốc để tránh hạ huyết áp đồng thời hỗ trợ cơ thể.

Sau khi bị nhiễm khuẩn huyết

Những người bị nhiễm trùng huyết có thể hồi phục hoàn toàn, mặc dù họ có thể bị tái phát. Những tác động lâu dài phụ thuộc một phần vào tuổi, liệu bạn có mắc bệnh mãn tính hay không hoặc bạn có được điều trị nhiễm trùng huyết sớm hay không.

Vân Doãn (Webmd)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!