Gian nan điều trị bệnh nhân kháng kháng sinh

Thời sự - 11/24/2024

Đối với các bệnh nhân bình thường thì việc sử dụng kháng sinh phổ rộng mạnh sẽ điều trị rất nhanh nhưng người này hồi phục chậm, huyết áp không ổn định.

Ca bệnh khiến bác sĩ hồi sức vất vả

Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM từng điều trị cho nhiều trường hợp bị kháng thuốc kháng sinh nặng.

Điển hình là bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nam N.N.C. 56 tuổi, ngụ Bình Thuận. Bệnh nhân này nhập viện cách đây hơn 1 tháng, bị nhiễm vi trùng, vi nấm đa kháng, cơ địa có tiêu chảy kéo dài.

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Khoa cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn cho hay, bệnh nhân C. cơ địa da mỏng, mập phần thân, tay chân ốm, dấu hiệu thường gặp ở các trường hợp uống thuốc nam thuốc bắc, hoặc thuốc giảm đau khớp có chứa corticoid. Đây là một dạng cơ địa nguy hiểm, dễ dẫn tới nhiễm các vi trùng đa kháng.

Nhập viện sau khi sốt 2 tuần và tiêu chảy, bệnh nhân C. diễn tiến nặng, phải thở máy. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh phổ rộng rất mạnh là carbapenem, có thể điều trị được đa phần các tác nhân đa kháng.

Đối với các bệnh nhân khác thì việc sử dụng kháng sinh này điều trị rất nhanh nhưng người này hồi phục chậm, huyết áp không ổn định. Kết quả cấy máu là nhiễm vi trùng đa kháng, phải sử dụng một loại kháng sinh mới, chuyện biệt để diệt. Sau khi âm tính thì bệnh nhân lại nhiễm vi trùng khác tiếp, bị sốt lại, máu xấu hơn, suy thận tăng hơn.

Các bác sĩ nghi ngờ và cấy lại toàn bộ dịch trong cơ thể và máu, phân, phát hiện vi nấm. Đây là loại nấm thường gặp ở các khoa bệnh nặng. Bác sĩ sử dụng kháng sinh đặc biệt trong thời gian dài, thông thường bệnh nhân chỉ dùng từ 7-10 ngày nhưng ca này điều trị 25 ngày mới âm tính.

Hiện bệnh nhân đã hồi phục lại, huyết áp ổn, có thể tự thở, tri giác cũng tỉnh táo trở lại và đang tập vật lý trị liệu,

Theo bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, trong 10 ca bệnh nặng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng mà được chuyển xuống điều trị ở Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn thì có đến 5 ca sẽ nhiễm vi trùng tác nhân đa kháng. Một số bệnh nhân do tự ý sử dụng kháng sinh nhiều quá trước đó trong khi bác sĩ không biết các bệnh nhân đã từng uống thuốc gì.

'Bệnh nhân khai là có uống thuốc nhưng lại không nhớ được tên thuốc là gì. Bởi vì đa phần là mua ở ngoài nhà thuốc. Đôi khi có những bệnh nhân họ giữ lại vỏ bao thuốc thì bác sĩ nhìn là biết được kháng sinh gì, còn một số bệnh nhân thì đã vứt luôn nên chúng tôi hoàn toàn không biết được họ đã dùng kháng sinh gì trước đó. Lúc đó là phải đoán, hỏi họ dùng bao nhiêu viên một ngày, còn không thì chúng tôi sử dụng kháng sinh mạnh ngay từ đầu' - bác sĩ Xuân cho hay.

Gian nan điều trị bệnh nhân kháng kháng sinh

BS Nguyễn Thành Nguyên, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chăm sóc bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng. Ảnh: Kim Vân

Báo động tình trạng kháng kháng sinh

Tại buổi lễ mít tinh truyền thông về phòng, chống kháng thuốc, tổ chức chiều 25/11 vừa qua, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, tại Việt Nam thuốc kháng sinh chiếm hơn 50% dược phẩm được sử dụng, với tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc hàng cao nhất châu Á, gây ra hàng ngàn ca tử vong mỗi năm.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, vấn đề kháng kháng sinh là vấn đề nguy hiểm ngành y tế đang phải đối mặt, nếu không có động thái can thiệp từ bây giờ thì càng ngày càng tiến triển và đạt mức độ nguy hiểm. Ước tính đến năm 2050, thế giới sẽ có 10 triệu người tử vong do vấn để này.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, số ca bệnh ghi nhận kháng kháng sinh có xu hướng gia tăng. Điển hình từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng Vi sinh - Khoa Xét nghiệm bệnh viện đã phát hiện 147 trường hợp/1700 mẫu xét nghiệm dương tính với vi khuẩn là có vi khuẩn đa kháng, chiếm tỷ lệ khoảng 8,7%.

Trong số này, vi khuẩn đa kháng mạnh, gọi là siêu kháng là vi khuẩn Acinetobacter, tiếp đó là Pseudomonas, E.coli…Thậm chí các loại kháng sinh thế hệ mới cũng có tỉ lệ kháng bắt đầu gia tăng.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, để giảm được tình trạng kháng kháng sinh đang tăng báo động ở Việt Nam, tiêu chuẩn tốt nhất là đúng thuốc đúng bệnh. Về mặt quản lý cần thành lập một ban quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện. Ban này hoạt động thường xuyên, giám sát được tất cả các ca sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, gồm các trưởng khoa lâm sàng, dược lâm sàng, ban giám đốc, phòng kế hoạch tổng hợp.

Bên cạnh đó, bác sĩ điều trị khi tiếp nhận bệnh nhân có chỉ định sử dụng kháng sinh thì cho kháng sinh, trong vòng 24 tiếng bác sĩ trưởng khoa sẽ duyệt lại kháng sinh đó hợp lý hay không. 24 tiếng sau dược lâm sàng và kế hoạch tổng hợp sẽ duyệt lại. Nếu không có sự thống nhất đồng tình sẽ có hội chẩn để đánh giá, tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Trước tình hình thực tế này, TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cảnh báo, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao một cách đáng báo động và chính thói quen tự dùng kháng sinh đang gây nguy hại cho chính người bệnh.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Hảo, người dân không nên tự ý mua các loại kháng sinh ở các cửa hàng thuốc, không tự ý sử dụng và mua kháng sinh về để chăn nuôi, cho thú nuôi ăn. Khi muốn sử dụng kháng sinh phải tới bệnh viện và được nhân viên y tế cho phép. Đặc biệt, chỉ có bác sĩ điều trị mới có thể kê toa thuốc kháng sinh và chỉ có dược sĩ, dược tá mới được bán những loại thuốc này cho người dân.

Ngoài ra, người dân cũng không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình, điều này gây nguy hiểm cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!