Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Xử lý thế nào mới đúng?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/26/2024

Bạn khó tránh khỏi thuốc kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh có thể sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn nên bạn cần biết cách xử lý kịp thời để tránh gây hại cho sức khỏe. 

Bạn khó tránh khỏi thuốc kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh có thể sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn nên bạn cần biết cách xử lý kịp thời để tránh gây hại cho sức khỏe. 

Mặc dù có tác dụng điều trị nhiễm trùng hiệu quả, thuốc kháng sinh cũng gây ra không ít tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Dưới đây, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách phòng ngừa và xử lý các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh để đảm bảo sức khỏe nhé.

1. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh gây mất cân bằng vi sinh đường ruột

Các loại kháng sinh phổ rộng, đặc biệt là kháng sinh dùng qua đường uống như chloramphenicol gây ảnh hưởng tới các vi sinh vật có lợi trong ruột và dẫn tới mất cân bằng hệ vi sinh vật trong hệ tiêu hóa. Một số kháng sinh khác được tiêm qua tĩnh mạch như ceftriaxone, các kháng sinh nhóm lincosamid được thải qua mật nên cũng gây ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đường ruột.

Sự mất cân bằng vi sinh vật đường ruột tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc và nấm gây hại phát triển mạnh, có thể gây tiêu chảy, viêm đại tràng, nấm candida đường ruột…

Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, sau mỗi đợt điều trị kháng sinh, bạn nên sử dụng thuốc tái tạo hệ vi sinh vật của hệ tiêu hóa như enterogermina, biosubtyl, antibio…

2. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Nhiều loại thuốc kháng sinh có thể khiến bạn bị đau dạ dày hoặc các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như buồn nôn, nôn, chuột rút, tiêu chảy. Các loại thuốc kháng sinh nhóm macrolide, cephalosporin, penicillin và fluoroquinolones gây khó chịu ở dạ dày và hệ tiêu hóa nghiêm trọng hơn các loại kháng sinh khác.

Nếu bắt buộc phải dùng các loại kháng sinh có tác dụng phụ gây đau dạ dày, bạn nên hỏi bác sĩ, dược sĩ có thể uống thuốc kháng sinh trong khi ăn hay không. Thức ăn có thể giúp giảm khó chịu ở dạ dày do sử dụng kháng sinh như amoxicillin và doxycycline. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể áp dụng với một số loại thuốc kháng sinh, ví dụ như thuốc tetracycline phải uống trước khi ăn.

Để hạn chế được tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, bạn nên hỏi cách dùng thuốc thật cẩn thận và cách giúp giảm đau dạ dày hay vấn đề tiêu hóa khi dùng thuốc.

Tình trạng tiêu chảy nhẹ do thuốc kháng sinh có thể khỏi khi bạn ngừng uống thuốc. Tuy nhiên, nếu bạn bị tiêu chảy nghiêm trọng có thể kèm theo các triệu chứng như:

  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Đau bụng, chuột rút
  • Đại tiện ra máu hoặc chất nhầy

Những triệu chứng này có thể do các vi khuẩn có hại đang phát triển quá mức trong đường ruột của bạn. Trong trường hợp tiêu chảy nặng, bạn cần đi khám bác sĩ ngay để xử lý kịp thời.

3. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh khiến bạn nhạy cảm với ánh sáng

Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Xử lý thế nào mới đúng?

Sau khi uống một số loại kháng sinh như tetracycline, cơ thể bạn có thể trở nên nhạy cảm với ánh sáng hơn. Do đó, mắt bạn có thể cảm thấy ánh sáng trở nên sáng rõ hơn, đồng thời da của bạn cũng dễ cháy nắng hơn do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Tình trạng nhạy cảm với ánh sáng này sẽ hết sau khi bạn ngừng uống thuốc.

Nếu bạn đang uống kháng sinh như tetracycline, bạn nên bôi kem chống nắng bảo vệ khỏi tia UV và có các biện pháp bảo vệ an toàn khỏi ánh nắng mặt trời khi ra ngoài như mặc quần áo chống nắng, đội mũ, đeo kính râm…

4. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh gây ra các triệu chứng sốt

Triệu chứng sốt là tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc trong đó có thuốc kháng sinh. Bạn có thể bị sốt do phản ứng dị ứng khi dùng thuốc hoặc là do tác dụng phụ của thuốc. Các loại thuốc kháng sinh như beta lactam, cephalexin, minocycline và sulfonamides thường có khả năng gây triệu chứng sốt sau khi dùng.

Nếu bạn bị sốt trong thời gian uống kháng sinh, thông thường sau đó cơn sốt sẽ tự khỏi. Khi bạn không hạ sốt sau 24 – 48 giờ, bạn nên hỏi bác sĩ có thể dùng các loại thuốc hạ sốt và giảm đau không kê toa như acetaminophen hay ibuprofen hay không.

Nếu sau khi uống thuốc kháng sinh bạn sốt cao trên 40 độ C, phát ban hoặc khó thở, hãy đến gặp bác sĩ hoặc gọi cấp cứu ngay.

5. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh làm màu răng trở nên ố vàng

Các loại thuốc kháng sinh như tetracycline và doxycycline có thể gây ố vàng răng, xỉn màu răng vĩnh viễn ở trẻ em, điều này chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 8 tuổi. Nếu người mẹ sử dụng các loại thuốc kháng sinh này trong thời gian mang thai, răng sữa em bé sơ sinh có thể bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp bạn có con nhỏ hoặc đang mang thai, bạn hãy trao đổi với bác sĩ hạn chế kê đơn các loại thuốc kháng sinh có thể gây ố vàng, xỉn màu răng.

6. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh làm giảm hiệu quả thuốc tránh thai

Nếu bạn dùng kháng sinh khi đang dùng thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh có thể gây ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của một số loại thuốc tránh thai. Vì vậy, bạn nên hỏi bác sĩ có thể dùng thuốc tránh thai khác thay thế hay không. Phụ nữ cũng có thể bị nhiễm nấm âm đạo khi đang dùng kháng sinh. Bạn có thể sử dụng kem kháng nấm trong trường hợp này.

7. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh gây dị ứng trên cơ thể

Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Xử lý thế nào mới đúng?

Một số người có thể bị dị ứng với những loại kháng sinh nhất định. Đối với tình trạng dị ứng nhẹ, điều này không đáng ngại. Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng nghiêm trọng, bạn có thể cần phải khám bác sĩ và điều trị bằng thuốc.

Thông thường các triệu chứng dị ứng sẽ xuất hiện ngay sau khi uống thuốc. Những triệu chứng dị ứng kháng sinh có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Sưng lưỡi
  • Sưng họng
  • Nổi mề đay

Nếu bạn bị nổi mề đay do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, bạn nên ngừng uống thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ. Nếu xuất hiện tình trạng sưng hoặc khó thở sau khi dùng, bạn cần được đưa đi cấp cứu ngay để xử lý kịp thời.

8. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh gây hội chứng Stevens-Johnson

Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) là một rối loạn hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng xảy ra ở da và niêm mạc như mũi, họng, miệng và phổi. Thuốc kháng sinh, đặc biệt là nhóm beta lactam và sulfamethoxazole có thể gây ra hội chứng Stevens-Johnson với các triệu chứng điển hình rất giống với cúm như sốt, viêm họng. Sau đó, bạn có thể bị phát ban, phồng rộp gây đau đớn, tiếp đó lớp da trên cùng có thể bị bong tróc.

Các triệu chứng của hội chứng Stevens-Johnson do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh có thể bao gồm:

  • Ho
  • Sốt
  • Đau da
  • Nổi mẩn, mụn
  • Sưng mặt hoặc lưỡi
  • Đau miệng và cổ họng

Nếu bạn bị suy giảm miễn dịch, đã từng mắc phải hội chứng SJS trước đây hoặc có tiền sử gia đình mắc hội chứng này, bạn sẽ có nguy cơ cao bị tác dụng phụ do thuốc kháng sinh như nhóm beta lactam và sulfamethoxazole.

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, bạn hãy gặp bác sĩ ngay để được xử lý kịp thời.

9. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh tăng nguy cơ nhiễm trùng

Một số loại kháng sinh có thể gây ảnh hưởng tới thành phần và công thức máu như giảm bạch cầu, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Một số loại kháng sinh làm giảm tiểu cầu có thể gây chảy máu, bầm tím, làm chậm quá trình đông máu. Các loại kháng sinh beta lactam và sulfamethoxazole có khả năng gây ra các tác dụng phụ này cao hơn các loại kháng sinh khác.

Nếu bạn bị suy giảm miễn dịch hoặc có hệ miễn dịch yếu, bạn có nguy cơ cao bị tác dụng phụ này. Vì vậy, bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc kháng sinh.

Nếu tình trạng chảy máu trực tràng nghiêm trọng mà không cầm máu được hoặc ho ra chất giống như bã cà phê, bạn cần đi cấp cứu ngay để xử lý kịp thời.

10. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh gây các vấn đề về tim mạch

Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Xử lý thế nào mới đúng?

Trong một số ít trường hợp, một số loại kháng sinh có thể gây ra các vấn đề về tim mạch như nhịp tim không đều hoặc huyết áp thấp. Các loại kháng sinh như erythromycin và ciprofloxacin, thuốc kháng nấm terbinafine có nguy cơ cao gây ra tác dụng phụ này.

Nếu bạn bị bệnh tim, bạn cần đề cập với bác sĩ về tình trạng bệnh trước khi dùng bất kỳ loại kháng sinh nào. Đồng thời, bạn hãy đi khám bác sĩ nếu xuất hiện cơn đau tim hoặc tình trạng tim mạch xấu đi, nhịp tim không đều… 

11. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh gây tình trạng viêm gân

Một số báo cáo cho thấy các loại thuốc kháng sinh như ciprofloxacin có thể gây viêm gân hoặc rách gân. Tác dụng phụ này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên những người thuộc nhóm sau đây có nguy cơ bị viêm gân do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh cao hơn:

  • Suy thận
  • Trên 60 tuổi
  • Có tiền sử bệnh lý về gân
  • Đã được ghép thận, tim hoặc phổi
  • Đang dùng các loại thuốc nhóm steroid

Nếu bạn có một trong các yếu tố nguy cơ cao trên, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phù hợp tránh tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, bạn hãy đi khám nếu tình trạng viêm gân trở nên trầm trọng hơn.

12. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh gây tình trạng co giật

Trong một số trường hợp, tác dụng phụ đã được ghi nhận có thể gây ra tình trạng co giật. Các loại kháng sinh như ciprofloxacin, imipenem, cefixime và cephalexin có thể gây ra tác dụng phụ này. Nếu bạn bị động kinh hoặc có tiền sử co giật, bạn cần thông báo cho bác sĩ để kê loại thuốc kháng sinh khác phù hợp hơn, tránh làm tình trạng động kinh của bạn nặng thêm hoặc tương tác với thuốc chống co giật bạn đang sử dụng.

Khi gặp phải tác dụng phụ của kháng sinh, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để được đề xuất các giải pháp làm giảm thiểu tác dụng phụ, điều trị triệu chứng do tác dụng phụ hoặc xem xét loại kháng sinh thay thế. Bạn không nên tự ý sử dụng kháng sinh nếu không được bác sĩ kê đơn và hãy tuyệt đối tuân thủ liệu trình điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nhé!

Hồng Nhung | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Tác hại của thuốc kháng sinh nếu bạn dùng tùy tiện
  • Thuốc kháng sinh và những điều bạn cần biết
  • Mẹ nên dùng thuốc kháng sinh cho con như thế nào?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!