Nhiễm trùng và bệnh tự miễn

Cần biết - 11/24/2024

Nhiễm trùng (nhiễm vi khuẩn, virut, ký sinh trùng, nấm...) là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu và rất quen thuộc đối với mọi người. Nhưng bên cạnh đó, nhiễm trùng còn là tác nhân của một loại bệnh lý rất nguy hiểm: bệnh tự miễn.

Thế nào là bệnh tự miễn?

Hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, giúp nhận dạng các yếu tố có hại xâm nhập cơ thể như vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng, thậm chí là tế bào ung thư... (được gọi chung là kháng nguyên). Khi các kháng nguyên xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt chúng bằng cách “ăn” trực tiếp hoặc sinh ra các kháng thể để diệt trừ mầm bệnh. Ở người bình thường, các tế bào của cơ thể đã được hệ miễn dịch “nhận dạng” từ khi còn trong bào thai nên không có tình trạng “quân ta đánh quân mình”.

Vì một lý do nào đó, các tế bào này trở nên “lạ” với hệ miễn dịch (ví dụ như tế bào bị biến đổi do ung thư, do hóa chất, độc chất, do nhiễm trùng...) hoặc do chính hệ miễn dịch bị trục trặc, khi đó, các tế bào miễn dịch sẽ không còn nhận ra các tế bào của cơ thể nữa mà xem đó là các kháng nguyên và tấn công chúng gây nên các bệnh tự miễn.

Tự miễn là loại bệnh khá phổ biến với khoảng 180 loại bệnh khác nhau. được chia làm 2 nhóm chính là nhóm các bệnh tự miễn dịch hệ thống như Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì hệ thống... và nhóm các bệnh tự miễn dịch đặc hiệu cơ quan như viêm tuyến giáp tự miễn, viêm gan tự miễn...

Cơ chế gây bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn là bệnh được đặc trưng bởi cơ thể sản xuất tự kháng thể hoặc một dòng lympho T (tế bào T) tự phản ứng để chống lại một hay nhiều tổ chức của chính cơ thể mình. Tế bào T, được sản xuất trong tủy xương rồi di chuyển tới tuyến ức.

Tại đây, chúng được hướng dẫn để không tấn công chính các tế bào của cơ thể. Tuy nhiên, có một số lý do dẫn tới việc hệ miễn dịch lại tấn công nhầm chính cơ thể vật chủ như một thành phần nào đó của cơ thể bị thay đổi tính chất, cấu hình do tác dụng của các tác nhân vật lý, hóa học, sinh học, vì vậy bộ phận đó của cơ thể trở thành lạ và lúc này, cơ thể sẽ sinh ra các tự kháng thể chống lại tổ chức đó; kháng nguyên lạ bên ngoài có cấu trúc tương tự một thành phần của cơ thể nên kháng thể chống lại kháng nguyên bên ngoài phản ứng luôn với thành phần cơ thể, như trong các bệnh thấp tim, thấp khớp cấp; một số tổ chức, thành phần của cơ thể không được nhận diện trong thời kỳ phôi, ít hoặc chưa được tiếp xúc với miễn dịch của cơ thể (như một số thành phần của mắt).

Khi có các chấn thương, các thành phần này lọt vào máu, trở thành yếu tố lạ đối với hệ miễn dịch, lúc này cơ thể sẽ sinh kháng thể chống lại. Cuối cùng, sự mất cân bằng giữa các dòng tế bào lympho T (tế bào của hệ miễn dịch) sẽ dẫn tới những rối loạn gây bệnh tự miễn.

Nhiễm trùng và bệnh tự miễn

Dấu hiệu bệnh Lupus ban đỏ hệ thống một căn bệnh tự miễn có thể có nguyên nhân từ nhiễm trùng.

Một số bệnh tự miễn thường gặp

Có một số bệnh lý tự miễn hay gặp trên lâm sàng bao gồm các bệnh thấp như: Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp mạn tính thiếu niên, viêm đốt sống huyết thanh âm tính, Lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ/viêm da cơ...; Các bệnh tiêu hóa gan mật như: Viêm gan mạn tự miễn, xơ gan mật tiên phát, bệnh Crohn...; Bệnh máu: Thiếu máu tự miễn, ban giảm tiểu cầu vô căn, thiếu máu ác tính; Bệnh nội tiết: Bệnh Basedow, viêm tuyến giáp Hashimoto, đái tháo đường typ 1, bệnh Addison; Bệnh Da, cơ: Pemphigus, bạch biến, nhược cơ nặng...

Nhiễm trùng và bệnh tự miễn

Từ lâu, người ta đã nhận thấy sự bùng phát các bệnh tự miễn sau nhiễm trùng ở những cá thể hoàn toàn khỏe mạnh trước đó. Có một số tác nhân được cho là liên quan chặt chẽ đến sự khởi phát của bệnh lý tự miễn: Coxsackievirus B (CVB) gây viêm cơ tim tự miễn; Streptococcus pyogenes gây tổn thương van tim, viêm cầu thận; Trypanosoma cruzi gây viêm cơ tim tự miễn (bệnh Chagas); Borrelia burgdorfeii là nguyên nhân của bệnh Lyme với tổn thương tự miễn ở nhiều cơ quan (tim, thận, khớp...); Herpes simplex virut với các bệnh lý tự miễn tại mắt; Các loại bệnh lý tự miễn khác cũng có nguyên nhân do nhiễm như viêm màng bồ đào (sau nhiễm một số loại virut và vi khuẩn E. coli), tiểu đường typ 1 (sau nhiễm virut như cytomegalovirus), bệnh viêm đa rễ đa dây thần kinh (hội chứng Guillain-Barré syndrome) xuất hiện sau nhiễm vi khuẩn, virut, đặc biệt là Campylobacter jejuni, xơ cứng rải rác (Multiple sclerosis) sau nhiễm vi khuẩn Chlamydia pneumoniae...

Vậy tại sao nhiễm trùng lại khởi phát bệnh lý tự miễn? Thứ nhất là sự giống nhau giữa mô cơ thể và tác nhân gây bệnh dẫn đến bị tấn công nhầm; thứ hai là tổn thương trong quá trình viêm nhiễm tại mô dẫn đến các thương tổn tế bào, làm cho các tế bào trở nên “lạ” với hệ miễn dịch; thứ ba đó là sau một quá trình viêm kéo dài dẫn đến sự tổn thương của cả mô và hệ miễn dịch làm cho quá trình sản xuất tự kháng thể xuất hiện. Bên cạnh đó còn một số cơ chế phức tạp hơn cho thấy vai trò gây bệnh lý tự miễn của một số loại vi khuẩn, virut, ký sinh trùng... Người ta cũng nhấn mạnh đến vai trò của từng cá thể bởi không phải tất cả những người bị nhiễm trùng đều bị bệnh tự miễn!

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh lý tự miễn, mặc dù phổ biến, vẫn còn là một lĩnh vực cần nghiên cứu thêm nhất là vai trò của nhiễm trùng. Vì vậy, đối với mỗi người chúng ta nên tuân thủ: “phòng hơn chống”, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cố gắng duy trì một cơ thể khỏe mạnh là biện pháp tốt nhất tránh các bệnh tự miễn có liên quan đến nhiễm trùng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!