Nhiệt độ tăng, nguy cơ cao bị sốc, lả, chuột rút, ngất xỉu

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Ngất xỉu do nhiệt là hiện tượng choáng, ngất đột ngột xảy ra khi phải đứng lâu dưới nắng.

Quá nóng có thể hủy hoại não và một vài bộ phận khác trong cơ thể, thậm chí, dẫn tới tử vong.

Mùa hè có khả năng làm bạn khó chịu, thậm chí tổn hại tới sức khỏe, nhất là trong những ngày quá nóng với độ ẩm cao. Cơ thể con người không được tạo ra để có thể chịu được nhiệt độ cao. Quá nóng có thể hủy hoại não và một vài bộ phận khác, dẫn tới tử vong.

Vậy làm thế nào để biết đâu là mức nhiệt nguy hại?

Để đưa ra các mức cảnh báo về nhiệt, Văn phòng dự báo thời tiết - dịch vụ thời tiết Mỹ sử dụng chỉ số nhiệt (HI - heat index). Trên thực tế, cảm giác nóng hay lạnh của cơ thể được quyết định đồng thời bởi cả hai yếu tố: nhiệt độ và độ ẩm.

Khi cơ thể nóng lên, nó sẽ toát mồ hôi. Đây được coi là hệ thống làm mát tự nhiên của con người. Khi mồ hôi bốc hơi, nó mang theo nhiệt trên bề mặt cơ thể và giúp giảm nhiệt. Tuy nhiên, độ ẩm không khí cao sẽ làm giảm khả năng đổ mồ hôi của cơ thể. Chính vì thế, sự kết hợp của nắng nóng và độ ẩm cao là mối nguy hại rất lớn với con người.

Nhiệt độ tăng, nguy cơ cao bị sốc, lả, chuột rút, ngất xỉu

Bảng chỉ số nhiệt cho thấy mối tương quan giữa nhiệt độ - độ ẩm và mức cảnh báo nguy hiểm với con người. Ảnh:  SRH

Tuy nhiên, ít ai biết rằng giá trị của bảng chỉ số nhiệt ở trên được đo ở trong bóng râm. Nếu ở dưới ánh nắng trực tiếp, độ chênh của nhiệt độ có thể lên tới 9-10 độ C. Như bảng bên dưới, nhiệt độ ngoài trời lên trên 41 độ C là đã bắt đầu được đặt ở mức cảnh báo nguy hiểm với con người.

Nhiệt độ tăng, nguy cơ cao bị sốc, lả, chuột rút, ngất xỉu

Nhiệt độ ngoài trời và tác động tới con người. Ảnh: SRH

Các bệnh do nhiệt

Nắng nóng có thể khiến chúng ta bị bệnh. Tuy nhiên, tài liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ khẳng định, người già, trẻ sơ sinh, trẻ em, những người có vấn đề về sức khỏe, người béo phì dễ bị tác động hơn.

Dưới đây là một số bệnh có thể xảy ra khi nắng nóng:

- Ngất xỉu do nhiệt: là hiện tượng choáng, ngất đột ngột xảy ra khi phải đứng lâu dưới nắng. Ngất xỉu do nhiệt được điều trị bằng cách đặt nạn nhân ở tư thế nằm trong môi trường mát mẻ và cho uống nước.

- Chuột rút do nhiệt: là những co thắt đau đớn của những nhóm cơ lớn của cơ thể, thường là bắp chân, đùi và vai, xảy ra trong khi hoặc ít lâu sau khi thể dục ráng sức trong khí trời nóng nực. Chứng chuột rút xảy ra khi cơ thể được bù nước nhưng lại không được bổ sung muối đầy đủ, dẫn đến tình trạng giảm natri-huyết trong các cơ. Cách tốt nhất để điều trị chứng chuột rút do nhiệt là bù chất điện giải, nước muối cho cơ thể.

- Phù do nhiệt: là hiện tượng sưng nhẹ bàn chân và mắt cá chân. Cách giải quyết là nằm nghỉ và đặt chân lên cao.

- Lả nhiệt: là lời cảnh báo cho biết cơ thể không thể tự làm mát. Bạn có thể cảm thấy khát nước, mệt mỏi, chóng mặt, nôn mửa, trạng thái tâm thần bị biến đổi tối thiểu. Ngoài ra, cơ thể có thể đổ mồ hôi. Mặc dù thân nhiệt bình thường nhưng người bạn lại lạnh toát. Một số người có thể còn bị mạch đập nhanh. Cách giải quyết là đưa bệnh nhân nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ, cho uống nhiều nước. Nếu không đỡ, phải đưa đến cơ sở y tế cấp cứu.

- Sốc nhiệt: hay còn gọi là say nóng, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Một số dấu hiệu của sốc nhiệt là lả đi, thân nhiệt lên tới hơn 40 độ, có hành vi bất thường, mạch đập nhanh, không toát mồ hôi,... Lúc này, cần phải đưa người bệnh tới các cơ sở y tế.

Nhiệt độ tăng, nguy cơ cao bị sốc, lả, chuột rút, ngất xỉu

Nắng nóng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với trẻ nhỏ (ảnh minh họa: Internet)

Phòng tránh nắng nóng

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ khuyến cáo, cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh do nhiệt là tránh nắng, ở những nơi râm mát. Với những người bắt buộc phải ra đường hay làm việc ngoài trời thì cần ghi nhớ những nguyên tắc sau: che chắn cơ thể cẩn thận như đội mũ, áo chống nắng, mặc đồ cotton rộng, thoải mái; mang theo nước để có thể liên tục bổ sung nước cho cơ thể, đặc biệt là nước lọc. Tránh đồ uống có cồn hay cà phê.

Với những người ở trong nhà, nên che chắn cửa sổ, không sử dụng bếp lò trong ngày nắng.

Trong mùa hè, tắm hoặc lau rửa thường xuyên không chỉ có tác dụng vệ sinh mà còn là cách hữu ích giúp cơ thể bạn đương đầu với cái nóng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!