Bệnh thường tự khỏi, hoặc khỏi được ít ngày rồi lại bị tái diễn đợt khác tương tự. Nhiều trường hợp bị ung thư lưỡi, với biểu hiện ban đầu là lở loét ở lưỡi bị coi là nhiệt miệng. Bệnh nhân coi thường bỏ qua, đến khi bệnh nặng đi khám mới biết là ung thư lưỡi và không còn khả năng chữa trị.
1. Những dấu hiệu của ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi phát triển thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu và giai đoạn toàn phát.
Giai đoạn đầu:Ở giai đoạn này, các dấu hiệu bệnh chưa rõ ràng nên người bệnh thường bỏ qua.
Người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Ở một số người, lưỡi có thể có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hoá hoặc có vết loét nhỏ và thường ở rìa lưỡi gần gốc lưỡi.
Người hút thuốc lá nhiều dễ bị ung thư lưỡi (Ảnh minh họa: Internet)
Giai đoạn toàn phát:
- Đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai.
- Tăng tiết nước bọt, nước bọt lẫn máu.
- Hơi thở hôi thối do tổn thương hoại tử, khít hàm, khó nói, không nuốt được.
- Có ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi hạn chế vận động, không di động được. Thương tổn thường sùi loét, được tạo thành từ một vết loét không đều ở đáy có mủ máu, bờ nham nhở, chảy máu khi va chạm.
Ung thư lưỡi nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa trị khả quan. Cho nên khi có những biểu hiện bất thường ở lưỡi, lở loét lưỡi… không nên bỏ qua cho là bị nhiệt mà nên đi khám kiểm tra phát hiện sớm bệnh và được chữa trị kịp thời.
2. Phân biệt nhiệt miệng và ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi dễ nhầm với nhiệt miệng nên cần đi khám bác sĩ để chẩn đoán bệnh đúng (Ảnh minh họa: Internet)
- Nhiệt miệng diễn biến từng đợt, lở loét lành rồi lại bị đợt khác và thường mỗi lần ở một vị trí khác nhau trong miệng hoặc lưỡi. Ung thư lưỡi thường chỉ bị một vết và cố định ở một chỗ, tiến triển thầm lặng từ từ tăng dần, không có giai đoạn tự lành hoặc lui bệnh.
- Nhiệt miệng thường đau và xót khi ăn mặn, thức ăn nóng. Ung thư lưỡi do tổ chức ung thư phát triển xâm lấn chiếm chỗ tổ chức lành, không có chức năng vị giác nên khi ăn mặn cũng ít xót hơn.
- Ổ loét ở lưỡi trong bệnh nhiệt miệng thường nhỏ vài mm, không có tổ chức sùi, ít chảy máu, đáy nhẵn, thường tròn đều. Ổ loét trong ung thư thường lớn không tròn đều, bờ sần sùi, đáy có mủ máu.
Cách phòng tránh ung thư lưỡi
- Vệ sinh răng miệng đều đặn.
- Sử dụng nước súc miệng chuyên dụng hoặc nước muối để ngừa sâu răng và nhiễm trùng nướu răng.
- Hạn chế rượu, đồ uống có cồn và thuốc lá.
- Nếu thấy vết loét lâu ngày không khỏi, đặc biệt là có sự hiện diện của các khối u hạch bất thường ở cổ thì phải đi khám để được bác sĩ chẩn đoán kịp thời.
Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!