Nhiều chỉ báo được đưa ra sau cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019

Thời sự - 11/24/2024

Mức sinh còn chênh lệch giữa các vùng; vẫn còn tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên/thanh niên; tỷ số giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng; già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng… Đây là những thực tế được phản ánh qua kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 vừa được công bố ngày 19/12 tại Hà Nội.

Nhiều chỉ báo được đưa ra sau cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang ở mức cao. Ảnh: PV

Tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế

Theo con số chính thức được đưa ra trong Hội nghị công bố kết quả và tổng kết Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tổng dân số của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm). Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, trong đó, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất; Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất cả nước.

Theo kết quả điều tra, cả nước có 9,1% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất cả nước, lần lượt là 21,5%, 18,1%. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi).

Bên cạnh đó, tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chiếm tỷ trọng 3,3‰; cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰) và Tây Nguyên (6,8‰). Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ phụ nữ sinh con khi chưa thành niên thấp nhất (1,1‰).

Đáng chú ý, kết quả điều tra cho thấy, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến. Tổng tỷ suất sinh của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ; khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ). Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), ngược lại, Hà Tĩnh là tỉnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ).

Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng

Cũng theo kết quả Tổng điều tra, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng 2 thập kỷ qua. Khu vực thành thị có tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi thấp hơn khu vực nông thôn.

Tỷ số tử vong mẹ là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Kết quả này cho thấy, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu về giảm tỷ số tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 (45 ca/100.000 trẻ sinh sống đến năm 2030).

Tuy nhiên, công bố cũng cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). Tỷ số này cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái).

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn diễn ra ở Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo bà Naomi Kitahara, điều này bắt nguồn từ truyền thống 'trọng nam khinh nữ', tâm lý ưa thích con trai hơn con gái của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc lựa chọn giới tính theo giới cần phải dừng lại và phải tăng cường thực hiện các chính sách pháp lý để nhằm ngăn cản điều này.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh và sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua chưa mang lại hiệu quả, dẫn đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.

Tốc độ già hóa thuộc hàng nhanh nhất thế giới

Tại Hội nghị công bố kết quả, các chuyên gia cho biết, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số. Như vậy, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi mà dân số ở trong độ tuổi lao động vẫn đang gấp đôi số người ở trong độ tuổi phụ thuộc. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế - xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn lực cho thanh niên, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, đảm bảo quyền bình đẳng giới.

Tuy nhiên, kết quả Tổng điều tra cũng chỉ ra một thực tế rằng, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam liên tục tăng từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Đây là một thành tựu nhưng cũng là thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khi tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%.

Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh và thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Nó đặt ra những thách thức trong việc vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách để thích ứng với già hóa dân số, vừa phải tranh thủ tận dụng cơ cấu dân số vàng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ những con số về tốc độ già hóa nhanh chóng, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Yếu tố dân số là rất quan trọng để phát triển đất nước, do đó, cần phân tích các vấn đề trên để vượt được ngưỡng thu nhập trung bình lên mức trung bình cao và thu nhập cao, khắc phục cho được tình trạng 'chưa giàu đã già'.

Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 được tiến hành vào thời điểm 0h ngày 1/4/2019 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở lần thứ năm ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững.

Đây là cuộc Tổng điều tra ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn giúp nâng cao chất lượng thông tin, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian xử lý để công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm kinh phí so với các cuộc điều tra và Tổng điều tra theo phương pháp điều tra truyền thống.

Sự 'chuyển mình' từ nông thôn ra thành thị

Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cũng cho thấy, dân số thành thị là 33.122.548 người, chiếm 34,4% tổng dân số cả nước. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị giai đoạn 2009 - 2019 là 2,64%/năm, gấp hơn hai lần tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của cả nước và gấp sáu lần so với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực nông thôn cùng giai đoạn. Tốc độ tăng dân số thành thị bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 thấp hơn tốc độ tăng dân số thành thị của giai đoạn 1999 - 2009 (3,4%/năm).

Yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị; sự 'chuyển mình' từ xã thành phường/thị trấn của nhiều địa phương trong cả nước góp phần chuyển 4,1 triệu người đang là cư dân nông thôn thành cư dân thành thị, tương đương 12,3% dân số thành thị của cả nước năm 2019.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!