Nhiều phụ nữ mất đi thiên chức làm mẹ vì ung thư cổ tử cung

Làm mẹ - 11/28/2024

Ung thu cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng, đa số phát hiện ở giai đoạn muộn phải phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ tử cung.

Chị Bảo Nghi (31 tuổi, TP HCM) là một trong những bệnh nhân ung thư cổ tử cung may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Tuy nhiên, chị phải trải qua chuỗi ngày dài sang chấn tâm lý, chiến đấu với các đợt hóa trị làm suy kiệt cơ thể và chấp nhận cắt bỏ một phần tử cung. Sau ca phẫu thuật, người phụ nữ 31 tuổi không còn khả năng sinh con.

Kém may mắn hơn chị Nghi, chị Mai Trang (32 tuổi, Hà Nội) được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn III, phải phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung, kết hợp xạ và hóa trị để giành giật thêm cơ hội sống. Trước đó, cơ thể chị khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường nào, cho đến khi thăm khám phụ khoa.

Chị Trang được chẩn đoán mắc bệnh ở tuổi 32, nhưng mầm mống virus HPV gây ung thư cổ tử cung có thể tồn tại từ thời thiếu nữ. Căn bệnh diễn tiến âm thầm, kéo dài 5-20 năm. Triệu chứng giai đoạn sớm thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung.

Nhiều phụ nữ mất đi thiên chức làm mẹ vì ung thư cổ tử cung

Nhiều trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn phải phẫu thuật cắt bỏ cơ quan sinh sản. Ảnh: NIH

Ung thư cổ tử cung cũng là căn bệnh ung thư phụ khoa phổ biến thứ hai ở phụ nữ. 95% trường hợp do lây nhiễm virus gây u nhú ở người HPV (Human Papilloma Virus) qua đường tiếp xúc, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con khi sinh nở.

Tuy nhiên, nghiên cứu đăng tải tháng 6/2017 trên tạp chí Journal of Infection and Public Health cho thấy, nhiều phụ nữ Việt chưa biết rõ về virus HPV. Bảng hỏi ít nhất 34 câu được các chuyên gia Đại học Utah, Đại học Y khoa Texas, Đại học Quốc gia TP HCM gửi đến 932 sinh viên Việt và Mỹ vào tháng 10/2016. Kết quả cho thấy, 495 sinh viên Việt trả lời ít câu đúng về HPV hơn 437 sinh viên Mỹ. Không chỉ trang bị ít kiến ​​thức về virus HPV, nữ sinh Việt còn chủ quan với căn bệnh ung thư cổ tử cung.

Ở Mỹ, mỗi năm có gần 12.000 trường hợp chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung, trong đó hơn 4.000 phụ nữ tử vong. Vì vậy, Mỹ đã chọn tháng Một là tháng nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung. Hàng loạt hoạt động tuyên truyền về mức độ nguy hiểm, cách phòng ngừa bệnh được Hiệp hội Y tế Tình dục (ASHA) và Hiệp hội Ung thư Cổ tử cung Mỹ tổ chức trong quãng thời gian này.

Nhiều phụ nữ mất đi thiên chức làm mẹ vì ung thư cổ tử cung

Tiêm văcxin ngừa virus HPV là biện pháp đơn giản và hiệu quả phòng ung thư cổ tử cung. Ảnh: She Knows

Nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời của phụ nữ là khoảng 80%. Hiện chưa có thuốc đặc trị virus này, cách phòng tránh đơn giản nhất là tiêm văcxin ngừa HPV. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy, văcxin có thể giảm tới 90% các sang thương tiền ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, còn ngừa được bệnh sùi mào gà, ung thư dương vật, âm hộ, âm đạo…

Độ tuổi tiêm văcxin là nữ giới 9-26 tuổi, tốt nhất là 11-12 tuổi, bất kể có quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên, thuốc đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Tư vấn về An toàn Văcxin Toàn cầu (GACVS) vào tháng 6/2017, kể từ khi được cấp phép từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 270 triệu liều văcxin ngừa virus HPV được phân phối trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Bệnh viện Từ Dũ, Viện Pasteur, các bệnh viện phụ sản, trung tâm y tế dự phòng và nhiều cơ sở tiêm chủng đều được cấp phép tiêm loại văcxin này.

Do văcxin không phòng được tất cả các chủng HPV, nên dù tiêm ngừa, phụ nữ vẫn cần tầm soát định kỳ ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. 90% bệnh nhân có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, bảo tồn tử cung, khả năng sinh nở và tính mạng cho người bệnh.

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!