Nhìn vào mắt của người đau mắt đỏ có bị lây?

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Nếu dùng thuốc kháng sinh kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn, gây nhiễm độc thuốc trên mắt hoặc khô mắt.

Đau mắt đỏ do vi-rút thuộc nhóm Adenos gây bệnh. Bệnh lây qua 3 đường chính: Hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay - mắt, quan hệ vợ chồng. Do vậy, việc nhiều người lo ngại khi nhìn vào mắt của những người bị đau mắt đỏ sẽ bị lây bệnh là hoàn toàn không đúng.

Tuy nhiên, vi-rút gây bệnh rất nhỏ, không thể nhìn bằng mắt thường. Vi-rút này có thể sống trên các mặt phẳng, ngoài môi trường tới 2 ngày. Vì thế, khả năng lây bệnh khá dễ dàng. Bệnh đau mắt đỏ có các dấu hiệu rất dễ nhận biết như: Sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai. 

Bệnh toàn phát trong 5-7 ngày: Đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt, nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, bệnh nhanh chóng lan sang bên mắt lành.

Giai đoạn lui giảm trong 5 ngày: Các triệu chứng thoái biến, mắt trắng dần ra.

Nhìn vào mắt của người đau mắt đỏ có bị lây?

Ảnh minh họa: Internet

Khi bị đau mắt đỏ, cần nhỏ nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo để điều trị và phòng, chống đau mắt đỏ. Kháng sinh và kháng sinh có trộn corticosteroid làm giảm ra gỉ, đem lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh, rút ngắn thời gian điều trị. 

Tuy nhiên, nếu dùng thuốc kháng sinh kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn, gây nhiễm độc thuốc trên mắt hoặc khô mắt. Chỉ nên nhỏ kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ 7-10 ngày.

Theo thống kê của các bác sĩ, nhiều bệnh nhân đã điều trị không đúng cách đã bị biến chứng nặng như: Viêm giác mạc, giảm thị lực hoặc mù lòa… Vì vậy, cách tốt nhất khi có biểu hiện đau mắt đỏ là cần đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và dùng thuốc đúng chỉ định. 

Giám sát đặc biệt tình hình đau mắt đỏ ở các nhà trẻ, trường học

Trước tình hình tại Hà Nội đã xuất hiện các ca bệnh đau mắt đỏ và có khả năng phát triển thành dịch, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường bàn khám, nhân lực, trang thiết bị, thuốc… phục vụ khám, điều trị phòng bệnh đau mắt đỏ, tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng bệnh, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.

Đồng thời, sở yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn quản lý, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường học để báo cáo kịp thời và xử lý theo quy định. Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phải báo cáo thường xuyên số liệu bệnh nhân đau mắt đỏ về Sở Y tế. 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!