Thời tiết diễn biến thất thường
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh nên thời tiết có những diễn biến thất thường. Sau một thời gian nắng nóng kéo dài, ngày 12/9, miền Bắc đón những đợt không khí lạnh đầu tiên, nhiệt độ giảm sâu, mưa rào một vài nơi.
Ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên biển Đông cùng với gió mùa Đông Bắc khiến nhiệt độ toàn miền Bắc hạ xuống, trời se lạnh, nhiệt độ thấp nhất là 22 độ C. Miền Trung trải qua những cơn mưa lớn và kiểu thời tiết này cũng ảnh hưởng một phần đến khu vực Tây Nguyên.
Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn gây ra rất nhiều bệnh với những biến chứng nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng.
Bệnh hô hấp
Nhiệt độ giảm đột ngột làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng giao mùa, đau rát họng… Khi nhiệt độ giảm, hệ miễn dịch suy yếu, các loại vi-rút tấn công cơ thể dễ dàng hơn. Đặc biệt đối với trẻ em - đối tượng dễ bị nhiễm lạnh và mắc các bệnh hô hấp. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ.
Nhiều vùng miền Bắc và miền Trung đang có mưa rào và dông (Ảnh: Afamily)
Bệnh huyết áp
Theo kết quả nghiên cứu của ĐH Texas, nhiệt độ giảm đột ngột ảnh hưởng lớn đến huyết áp. Áp suất khí quyển giảm khiến huyết áp con người cũng thay đổi. Nhiệt độ giảm đột ngột khiến các mạch máu co lại dễ tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt với bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp.
Các bệnh xương khớp
Áp suất khí quyển giảm khiến các mô nở, gây áp lực lên các khớp làm đau khớp. Ngoài ra, độ ẩm không khí tăng lên cũng là nguyên nhân gây sưng khớp. Cùng với đó là hiện tương cao huyết áp do mạch máu bị thu nhỏ, khiến máu khó lưu thông, dịch khớp thay đổi thường gây đau khớp nhất là trước cơn bão.
Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch gia tăng khi nhiệt độ giảm đột ngột do ảnh hưởng của huyết áp thay đổi.
Bên cạnh đó, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây ra các bệnh: dị ứng thời tiết, thay đổi lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến phổi và các cơ quan hô hấp.
Đối phó với nhiệt độ giảm đột ngột như thế nào?
Bạn có thể chô cùng động phòng tránh các bệnh trên bằng những biện pháp vô cùng đơn giản.
Luôn giữ ấm cơ thể
Khi đi ra ngoài đặc biệt vào các thời điểm sáng sớm hoặc buổi đêm, luôn chú ý giữ ấm cho cơ thể. Các bộ phận dễ bị nhiễm lạnh: tay, chân, ngực, cổ… cần được bảo vệ cẩn thận. Nếu đang ngồi trong điều hòa, nên mở cửa từ từ trước khi ra ngoài để tránh sốc nhiệt.
Đừng để cơ thể bị ướt lạnh khi ra ngoài trời mưa (Ảnh: Afamily)
Chế độ ăn uống
Để có đủ năng lượng và sức đề kháng chống lại bệnh tật, cần có chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng. Ăn nhiều rau xanh và hoa quả giúp tăng cường vitamin, khoáng chất, tăng cường sức đề kháng. Nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng: ngũ cốc, thịt, cá, trứng…
Nên tăng cường các loại gia vị có tác dụng giữ ấm cho cơ thể như gừng, tỏi. Nên uống nước ấm hàng ngày. Điều này sẽ rất tốt cho hệ hô hấp, tránh một số bệnh về họng.
Không nên ăn nhiều muối, các đồ uống có cồn vì chúng ảnh hưởng đến huyết áp, gia tăng các bệnh tim mạch.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng. Khi thời tiết thay đổi đột ngột, bạn không nên tập thể dục quá sớm. Trước khi tập cần khới động 10 – 15 phút. Thời điểm tốt nhất để tập thể dục là 15 – 17h.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Để phòng các bệnh về đường hô hấp hiệu quả, bạn nên rửa tay hàng ngày, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên đánh răng và súc miệng nước muối để tránh viêm họng, viêm đường hô hấp…
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ, tiêm phòng các bệnh hô hấp và truyền nhiễm đầy đủ… để tránh các bệnh khi nhiệt độ giảm đột ngột.
Lưu Nhạn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!