Vì sao nhiều người hay bị đau đầu khi thay đổi thời tiết?

Cần biết - 03/29/2024

Có một thực tế là, khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển mùa, nhiều người thường xuất hiện các cơn đau đầu, từ âm ỉ đến dữ dội. Tại sao lại như vậy?

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Neurology (Viện nghiên cứu Thần kinh Mỹ), với mức tăng nhiệt độ khoảng 5 độ C, thì trong ngày hôm sau, tỷ lệ người đau đầu phải nhập viện tăng lên 7,5%. Bên cạnh đó, khi áp suất không khí giảm, số người bị đau đầu trong 48 - 72 giờ sau đó cũng tăng lên.

Tương tự, tại Anh, một nhóm nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 7.000 bệnh nhân mắc chứng đau đầu tại Boston từ năm 2000 đến năm 2007. Kết quả cho thấy, có sự tương đồng giữa nhiệt độ tăng và cơn đau đầu. Hơn nữa, họ cũng phát hiện ra cứ 5ml khí áp giảm, nguy cơ mắc chứng đau đầu lại tăng 6%. Điều đó đồng nghĩa với việc khi áp suất không khí giảm, nhiều người có thể sẽ bị đau đầu.

Vì sao nhiều người hay bị đau đầu khi thay đổi thời tiết?

Nhiều người thường bị đau đầu khi thời tiết thay đổi

Ở nước ta, theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng cứ vào mỗi dịp thời tiết thay đổi, số lượng người đến khám chuyên khoa thần kinh vì đau đầu tăng lên rõ rệt.

GS Nguyễn Văn Thông cho biết, đau đầu do thời tiết thường xảy ra ở những người nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí. Các tác nhân này tác động đến sự co, giãn của các mạch máu trong sọ và hóa chất trung gian có khả năng gây viêm, làm khởi phát tình trạng đau đầu.

Mặt khác, thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến việc cơ thể bị mất nước, căng thẳng, mất ngủ khiến cơn đau đầu dễ xảy ra hoặc tái diễn, trở thành đau đầu mãn tính.

Đau đầu khi thay đổi thời tiết có nguy hiểm không?

Khi thời tiết thay đổi, có hai dạng đau đầu cơ bản là đau cả đầu hoặc đau nửa đầu. Các triệu chứng bao gồm: Đau âm ỉ, tê buốt đầu cách hồi, hoặc đau dồn dập, dữ dội, choáng váng…

Theo GS Thông, tình trạng đau đầu do thời tiết không đơn thuần là cơn đau lành tính, chỉ xảy ra với người có cơ địa nhạy cảm, không thích nghi kịp với sự thay đổi môi trường mà còn là dấu hiệu "chỉ điểm" hệ thống mạch máu não đã gặp phải các tổn thương như viêm, xơ vữa động mạch.

Vì sao nhiều người hay bị đau đầu khi thay đổi thời tiết?

Theo các chuyên gia, cần giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress để phòng ngừa các cơn đau đầu. Ảnh minh họa

Khi đó, kết hợp với các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là sự thay đổi thời tiết đột ngột sẽ khiến động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn nặng, sức cản ngoại vi tăng cao gây đứt, vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não.

Bên cạnh đó, quá trình tắc nghẽn máu kéo dài còn có thể gây chết tế bào não do thiếu oxy và dưỡng chất gây ra nhồi máu não. Theo nghiên cứu của trường Đại học Y khoa Hoàng gia Luân Đôn (Anh), 40% trường hợp đột quỵ liên quan trực tiếp đến đau đầu.

"Do vậy, đau đầu do thời tiết là dấu hiệu cần lưu ý đến nguy cơ cơn đột quỵ gần, đặc biệt với những người bị đau đầu mãn tính", GS Thông nhấn mạnh.

Cách làm giảm triệu chứng đau đầu

Theo các chuyên gia, ngay khi xuất hiện cơn đau đầu, người bệnh nên nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh, thoáng khí với tư thế chân cao hơn đầu để máu lưu thông lên não tốt hơn. Sau đó nghỉ ngơi và ăn uống điều độ, cơn đau đầu sẽ dần thuyên giảm.

Một điều đặc biệt lưu ý là không nên lạm dụng thuốc giảm đau mỗi khi bị đau đầu. Chỉ uống thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ khi cơn đau đầu quá dữ dội. Việc lạm dụng thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn hoặc gây nhờn thuốc.

Để phòng ngừa các cơn đau đầu khi thay đổi thời tiết, các chuyên gia khuyến cáo, điều quan trọng là cần tăng cường thể lực, bồi bổ cơ thể bằng các loại thuốc bổ như vitamin B1, B6, B12...; ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi.

Khi đi ngoài trời nắng nên đội mũ rộng vành, hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu. Khi thời tiết chuyển lạnh, nên giữ ấm cơ thể.

Bên cạnh đó, tập luyện đều đặn để nâng cao thể lực, thích nghi với môi trường, góp phần làm thuyên giảm các cơn đau đầu khi thay đổi thời tiết.

Ngoài ra, giữ tinh thần luôn thoải mái và tránh tối đa căng thẳng, stress trong công việc và cuộc sống để cơn đau đầu không tái phát.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!