Những bí mật về làn da của trẻ sơ sinh

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Da trẻ vừa sinh, cả bề mặt và cấu trúc bên trong đều có nhiều thay đổi.

Biểu hiện da của trẻ sơ sinh khỏe mạnh

Da của bé có màu đỏ đậm hoặc hơi tím, bàn tay, bàn chân có màu hơi xanh. Da sẽ sáng dần lên sau khi bé hít hơi thở đầu tiên hoặc cất tiếng khóc chào đời. Phía ngoài da bé được bao phủ bởi một lớp sáp trắng giúp quá trình sinh được dễ dàng và bảo vệ da chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường. Lớp sáp này có thể tự tróc ra trong vòng 2 - 3 ngày sau sinh hoặc sau khi tắm.

Có một lớp lông tơ mềm bao phủ da đầu, trán, má, vai và lưng bé, đặc biệt là trẻ sinh non. Lông tơ sẽ rụng sau một vài tuần đầu sau sinh. Da trẻ sơ sinh rất khác nhau tùy thuộc vào khoảng thời gian mang thai. Trẻ sinh non da thường mỏng, trong hơn, trẻ sinh đủ tháng da thường dày hơn.

Khi được 2 - 3 ngày tuổi, da bé sáng hơn một chút, có thể bị khô và bong tróc. Da bé vẫn đỏ mỗi lần khóc và mỗi khi bị lạnh, môi, bàn tay, bàn chân bé có màu hơi xanh hoặc chấm đốm.

Những bí mật về làn da của trẻ sơ sinh

Bé sinh đủ tháng da thường dày hơn bé sinh non (Ảnh minh họa: Internet)

Những thay đổi trên da của trẻ sơ sinh có những biểu hiện sau:

- Xuất hiện các mụn thịt nhỏ, màu trắng như ngọc trai ở mặt, sau này có thể sẽ tự biến mất.

- Xuất hiện mụn trứng cá do hoóc-môn trước đây của mẹ vẫn còn trong máu của bé, mụn này sẽ biến mất sau vài tuần.

- Từ 1 - 3 ngày sau sinh, da mặt, chân, tay, toàn thân bé bị hồng ban nhiễm độc, một loại phát ban phổ biến không gây hại ở trẻ sơ sinh. Da mặt bé đỏ ửng và mọc mụn mủ. Phát ban sẽ hết sau 1 tuần.

Những vết bớt thường xuất hiện trên da của trẻ sơ sinh là:

- Vết chàm (Congenital Nevi) là những nốt mụn ruồi (vùng da có sắc tố tối màu) thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Vết chàm có thể chỉ nhỏ như hạt đỗ hoặc cũng có thể bao phủ cả cánh tay, bắp chân, vùng da rộng trên lưng hoặc thân người. Vết chàm càng lớn, nguy cơ trẻ bị ung thư da càng cao. Khi phát hiện da bé xuất hiện vết chàm, bạn nên nói cho bác sĩ biết và cùng bác sĩ theo dõi.

- Vết bớt Mông Cổ (Mongolian spots) màu xanh-nâu hoặc nâu thường xuất hiện ở lưng hoặc mông bé, chủ yếu là những bé da tối màu. Những vết chàm này thường mờ dần sau một năm.

- Vết bớt màu cà phê sữa (Café-au-lait spots) giống màu da bị rám nắng nhẹ thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ được một vài năm tuổi. Những bé có nhiều vết bớt loại này hoặc vết bớt lớn có khả năng bị bệnh u xơ thần kinh.

Những bí mật về làn da của trẻ sơ sinh

Vết bớt trên da trẻ có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau (Ảnh minh họa: Internet)

Những vết bớt đỏ xuất hiện trên cơ thể bé có thể là:

- Vết bớt màu rượu vang đỏ (Port-wine stains) là vết bớt có liên quan đến mạch máu. Màu vết bớt có thể từ đỏ thường đến đỏ tía. Vết bớt có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nhiều nhất là ở mặt.

- U máu (Hemangiomas) có liên quan đến mao mạch, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ được vài tháng tuổi.

- Vết bớt cò mổ (Stork bites) là những mảng da màu đỏ xuất hiện trên trán, mi mắt, gáy, môi trên của bé. Nguyên nhân thường do các mạch máu bị kéo dãn. Những vết này thường biến mất sau 18 tháng.

Thanh Lê (Pennstatehershey)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!