Những biểu hiện bất thường trên móng tay tiết lộ điều gì về sức khỏe?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/27/2024

Liệu bạn có biết những biểu hiện bất thường trên móng tay có thể tiết lộ những thông tin về tình trạng sức khỏe của mình không?

Liệu bạn có biết những biểu hiện bất thường trên móng tay có thể tiết lộ những thông tin về tình trạng sức khỏe của mình không?

Nghe thì có vẻ lạ nhưng đôi khi tình trạng móng tay có thể tiết lộ cho bạn những bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng hơn như những căn bệnh ở gan, tim và phổi. Những thông tin này thường được thể hiện thông qua màu sắc, hình dạng, kết cấu, độ dày của móng tay của bạn. Hãy cùng thử tìm hiểu xem chúng là gì nhé.

Móng tay vàng

Móng tay của bạn có thể ngả vàng do tuổi tác hoặc do lạm dụng sơn móng và nước tẩy. Bên cạnh đó, hút thuốc cũng có thể để lại trên móng một màu vàng nhạt. Nhiễm nấm cũng là một trong những nguyên nhân khiến móng tay bạn bị vàng. Khi bị viêm nhiễm nặng, nền móng có thể bị thụt vào, các móng tay dày hơn và rất dễ gãy. Trong một số trường hợp, móng tay vàng còn là biểu hiện của những bệnh trầm trọng hơn như bệnh về tuyến giáp, bệnh về phổi, tiểu đường và vẩy nến.

Móng tay giòn, dễ gãy

Móng trở nên giòn và dễ gãy có thể là hậu quả của thói quen sống thường ngày gây ra, chẳng hạn như khi bạn làm các công việc đòi hỏi bàn tay phải tiếp xúc nhiều với nước (rửa bát, bơi lội) hoặc việc sử dụng sơn móng tay thường xuyên hay tiếp xúc quá nhiều với hóa chất (các sản phẩm làm sạch, chất tẩy) thường xuyên cũng như việc sống trong khu vực có độ ẩm thấp cũng gây ảnh hưởng đến lớp sừng này. Đôi khi, đây còn là biểu hiện của bệnh nấm móng, nhiễm nấm hay bệnh tuyến giáp, đặc biệt là suy giáp. Móng tay giòn cũng có thể do cơ thể bạn thiếu hụt vitamin A và C hay vitamin B biotin.

Để móng tay không bị dễ gãy, bạn nên có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung nhiều protein và tránh tiếp xúc quá nhiều với chất tẩy rửa khi làm việc nhà.

Đốm trắng nhỏ trên móng tay

Những đốm trắng nhỏ xuất hiện trên móng tay của bạn thường là hậu quả của chấn thương vùng móng. Có thể bạn đã va chạm móng tay vào đâu đó khiến móng bị tổn thương nhẹ. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì đáng lo ngại nếu chúng nhanh chóng mờ dần đi và biến mất. Nhưng bạn cũng phải lưu ý khi các đốm trắng này không mất đi thì rất có thể nguyên nhân đến từ nhiễm nấm hoặc khả năng cơ thể bạn đang bị thiếu kẽm. Lúc này bạn nên bổ sung kẽm bằng cách ăn nhiều hải sản, thịt nạc, ngũ cốc ăn sáng và viên kẽm bổ sung.

Xuất hiện những đường rãnh ngang

Những đường lằn ngang có thể là hậu quả do chấn thương hoặc di chứng sau khi bị bệnh nặng đi kèm với sốt cao (chẳng hạn bệnh ban đỏ hoặc viêm phổi). Hiện tượng này cũng có thể là hậu quả do chấn thương ảnh hưởng trực tiếp đến móng tay hoặc do một căn bệnh nghiêm trọng nào đó gây ra. Trong trường hợp này, bạn sẽ thấy những đường rãnh ngang này xuất hiện nhiều trên móng tay tại một thời điểm nhất định nào đó. Những đường rãnh ngang này, còn được gọi là đường Beau. Beau mô tả các lằn chạy ngang ngón tay như một rãnh cày có thể tiết lộ tình trạng bệnh nặng trước đây như nhiễm trùng nghiêm trọng, nhồi máu cơ tim, hạ huyết áp, hạ canxi máu, giải phẫu… Các trường hợp sau cũng có thể tạo ra các lằn kẻ Beau ngang ngón tay: điều trị ức chế miễn dịch hoặc hóa trị liệu hay thiếu kẽm trầm trọng. Vị trí của các lằn kẻ Beau trên ngón tay cũng có thể giúp bạn ước tính thời gian mắc bệnh. Độ sâu của các lằn kẻ Beau còn cho biết mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Một loại đường ngang khác được gọi là dòng Mees xuất hiện dưới dạng các vạch ngang trắng (Mee’s lines). Căn bệnh cấp tính nào cũng có thể để lại những vạch ngang màu trắng sữa trên móng tay. Ngoài ra, các vạch này cũng có thể xuất hiện do tình trạng ngộ độc kim loại nặng như arsenic hay do hóa chất trị liệu ung thư hoặc do bệnh vẩy nến, bệnh tiểu đường không được kiểm soát, bệnh tuần hoàn hoặc thiếu kẽm nặng.

Mời bạn tìm hiểu tiếp về những biểu hiện bất thường của móng tay ở phần 2 nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bạn có cần đi khám khi chấn thương ngón tay/ngón chân?
  • Cân bằng cảm xúc và chữa bệnh chỉ bằng 5 ngón tay
  • Dấu hiệu nhận biết chấn thương và rối loạn chức năng ở ngón tay

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!