Họ là những người lính thực thụ trên chiến tuyến chống dịch. Ap lực công việc thường nhật, những tâm tư thẳm sâu của họ về gia đình, người thân, cả một hậu phương tạm để lại phía sau, đã khắc họa rõ nét chân dung của những 'bóng hồng' đang ngày đêm hi sinh thầm lặng ở tuyến đầu chống dịch.
'Khó khăn đâu có sá gì'
Đợt thứ 2 tham gia trực gác tại khu cách ly, không còn bỡ ngỡ và lo lắng như những ngày đầu của đợt đầu tiên, mỗi ngày hộ lý Thạch Thị Tiên (32 tuổi, quê Trà Vinh) đã cùng đồng nghiệp hoàn thành các công việc một cách nhịp nhàng, khéo léo.
Chị Tiên thuật lại, mỗi sáng thức dậy sẽ đến từng phòng để thu gom chất thải, quần áo của người cách ly để giặt giũ, lau nhà, làm vệ sinh, chuyển thức ăn và chuẩn bị áo quần đã sạch sẽ hong khô đến tận tay cho từng phòng... Nghe có vẻ đơn giản vậy, nhưng để quen được với hàng loạt công việc đó, chị đã gặp không ít gian nan.
'Khó khăn đầu tiên là tôi phải làm quen với trang phục bảo hộ chống dịch, cảm giác nóng bức, ngột ngạt, phải tập thở đều để không bị mệt mỗi lần mặc vào. Ở bệnh viện, việc lau nhà, làm vệ sinh do lao công phụ trách, ở khu cách ly tôi kiêm luôn cả công việc của lao công. Đợt nào tiếp nhận nhiều người đến cách ly, phải luôn tay luôn chân mới xong xuôi tất cả. Khi tháo bỏ trang phục bảo hộ, mồ hôi vã ra như tắm, rồi dần dần cũng quen… Mấy ngày gần đây mưa nhiều, tôi vừa lau xong nền nhà thì mưa ập tới ướt sũng, nước tràn vào phòng bệnh nhân, tôi phải lật đật đi lau lại, ngày cứ vài lần chạy lên chạy xuống cầu thang. Mưa làm quần áo bệnh nhân khó khô, phải canh một lúc để trở lui trở tới thì tối bệnh nhân mới có đồ sạch để mặc… Rồi khó khăn khi giao tiếp với người bệnh nước ngoài, những người bệnh không hợp tác, chúng tôi phải kiên trì vượt qua'- kể về những khó khăn đó, hộ lý Tiên cười, nhắc đi nhắc lại 'khó khăn vậy thì có sá gì'.
Hộ lý Thạch Thị Tiên tranh thủ gọi điện thoại trò chuyện cùng con trai sau giờ làm việc
Có một con trai năm nay 14 tuổi, hiện đang sống cùng ông bà ngoại ở Trà Vinh, đối với chị Tiên nỗi nhớ con, thương cha mẹ đã già yếu bệnh tật mới là nỗi trăn trở lớn. Hơn 11 giờ trưa, áo quần sạch đã được xếp gọn gàng thành từng xấp, chị bấm số điện thoại gọi cho con trai là bé Lê Nhật Huy (14 tuổi). Chị dặn dò: 'Mẹ ở đây khỏe lắm, con ở nhà chăm ngoan, nhớ thay mẹ đỡ đần cho ông bà. Con nhắn với ông bà ngoại giữ gìn sức khỏe, hết dịch mẹ về quê với ông bà và con…'.
Ngồi bên cạnh hộ lý Tiên là hộ lý Phan Thị Thanh Thu (29 tuổi, quê Quảng Trị, sinh sống tại Quận 2, TP.HCM). Thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, dù có con nhỏ mới 4 tuổi, nhưng cũng như những đồng nghiệp khác, chị Thu luôn ở tâm thế sẵn sàng lên đường. Đợt đầu tiên chị trực gác ở khu cách ly là vào tháng 5. Sau khi gửi con nhỏ cho cha mẹ chăm nom, sắp xếp việc nhà đâu vào đó, chị xách ba lô vào khu cách ly chăm sóc cho người bệnh suốt 1 tháng trời. Vừa hết nhiệm vụ đợt 1, cuối tháng 7 chị lại lên đường tham gia đợt 2. 'Tôi rất nhớ con, nhiều lúc chỉ muốn đứng nhìn con từ xa nhưng càng nhớ thì càng quyết tâm cùng đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ', chị Thu nói .
Sẽ không dừng nếu cuộc chiến vẫn còn
'Sức nhỏ góp công nhỏ, nhiều cây nhỏ sẽ thành rừng' - là niềm tin từ ánh mắt tự tin của BS Vũ Thị Sim (26 tuổi) - Phòng Kế hoạch tổng hơp BV Quận 2. Là nữ bác sĩ trẻ xung phong trực gác tại khu cách ly từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM, đến nay bác sĩ Sim đã tham gia 4 đợt trực gác tại đây, mỗi đợt là những kỷ niệm, đánh dấu sự trưởng thành cả chuyên môn lẫn nghị lực của tập thể y, bác sĩ nơi đây.
BS Sim nhớ lại, đợt đầu tiên tham gia trực gác tại khu cách ly là đợt tiếp nhận nhiều người nước ngoài nhất (những du khác có đến ổ dịch Buddha, quận 2), cũng là đợt tiếp nhận nhiều người cách ly nhất (59 người). Thời điểm đó, tình hình dịch bệnh chưa nghiêm trọng như hiện nay, giữa du khách và nhân viên y tế có những bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa. Nhiều du khách bất hợp tác, có sự chống đối, lời lẽ xúc phạm… Sim cùng đồng nghiệp chỉ biết kiên nhẫn cố gắng thuyết phục.
Đội lấy mẫu khu cách ly BV Quận 2 trong trang phục bảo hộ thường ngày
Trong đợt này, khi đợt cách ly sắp sửa kết thúc, kết quả xét nghiệm lần thứ 2 bị chậm trễ, rất nhiều du khách không kiềm chế được dẫn đến 'làm căng', Sim cùng 10 đồng nghiệp khác lại tiếp tục kiên trì giải thích cho từng người, thuyết phục họ ở lại khu cách ly chờ kết quả thành công, mà không còn sự phàn nàn nào.
Ở đợt cách ly thứ 2, một phụ nữ người Anh là F1 của một bệnh nhân nhiễm COVID-19 vừa vào khu cách ly đã nước mắt lưng tròng, tâm lý lo sợ không ổn định, Sim nỗ lực giải thích, trao đổi với Đại sứ quán Anh tại TP.HCM nhưng bất lực, người phụ nữ vẫn quyết định về nước. Đại sứ quán Anh tại TP.HCM đã trao đổi cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM, bệnh nhân được đồng ý sau khi lẫy mẫu xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính sẽ được trở về quê nhà. Trải qua những khó khăn ở những đợt đầu 'ra trận', Sim tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa.
BS Sim trải lòng: 'Mỗi trường hợp khó khăn, đằng sau chúng tôi là lãnh đạo, đồng nghiệp luôn bên cạnh và ủng hộ từ gia đình nên chúng tôi càng nỗ lực hơn. Càng gắn bó với công việc, tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân chúng tôi cũng nâng cao về chuyên môn. Ở những đợt sau hầu như chúng tôi đã quen với công việc, không còn những bở ngỡ, dày dặn kinh nghiệm và xử lý tốt hơn khi gặp những ca khó'.
BS Sim tự tin: 'Tôi chưa có gia đình, việc xung phong vào các tuyến đầu sẽ hỗ trợ các chị em đồng nghiệp có con nhỏ, do đó số đợt tham gia sẽ không dừng lại nếu dịch bệnh vẫn còn kéo dài'.
BS Phạm Gia Thế - Phụ trách Khu cách ly BV Quận 2 cho biết, hiện nay tại khu cách ly chủ yếu tiếp nhận những người thuộc F1 của bệnh nhân COVID-19, hoặc những người từ vùng dịch Đà Nẵng trở về. Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, tại đây mỗi người dân đều được bố trí phòng riêng.
Tại đây có trang bị cabin khử khuẩn dành cho những người cần đi vào tiếp xúc với bệnh nhân, đây là phương pháp đảm bảo an toàn bên cạnh đảm bảo khoảng cách, trang bị đồ bảo hộ. Để đảm bảo sức khoẻ của nhân viên y tế, nhân viên y tế được bố trí luân phiên 1 tháng, kết thúc 1 tháng làm việc tại khu cách ly nhân viên y tế tiếp tục được cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, gia đình. Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên nữ đã không ngại tham gia trực gác tại khu cách ly, nhiều người đã tham gia 3, 4 đợt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!