Mang thai là một trong những giai đoạn đòi hỏi sự cố gắng toàn bộ sức lực của người phụ nữ. Trong quá trình mang thai cả tâm lý và cơ thể của các mẹ bầu hoàn toàn thay đổi.
Cảm giác khó chịu, mệt mỏi, chán chường sẽ diễn ra liên tục. Do đó tìm hiểu về những dấu hiệu thay đổi cơ thể khi mang thai là điều mẹ bầu nên làm, vừa để chuẩn bị tâm lý trước cho những thay đổi ấy, vừa giúp mẹ có những biện pháp tích cực để hạn chế những khó chịu mà thay đổi ấy đem lại.
Người mẹ nên tìm hiểu về những dấu hiệu thay đổi cơ thể, những cơn đau có thể xảy ra khi mang thai để có sự chuẩn bị tâm lý một cách tốt nhất. (Ảnh minh họa).
Những thay đổi lớn có thể kể đến như:
1. Đau cơ bắp chân
Trong thai kỳ, mẹ bầu có thể cảm thấy đau nhói ở lưng hoặc mông tỏa khắp sang bắp chân. Những cơn đau này thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3, nguyên nhân là do sự phình ra của đĩa đệm, chèn ép lên dây thần kinh tọa và gây đau đớn. Cơn đau cũng tăng dần khi mẹ bầu tăng cân, chất lỏng tích tụ, phù nề hoặc khi em bé bắt đầu di chuyển và tựa đầu vào dây thần kinh của mẹ.
Để giảm đau, mẹ có thể sử dụng đai đỡ để nâng bụng, tử cung, phân bổ đều trọng lượng, hạn chế sự chèn ép lên các dây thần kinh. Mẹ có thể tập luyện nhẹ nhàng, bơi lội để giảm đau. Khi ngủ thì kê thêm một chiếc gối giữa hai chân để căn chỉnh khung chậu tốt hơn.
Đau nhức các cơ bắp chân là triệu chứng phổ biến của mẹ bầu. (Ảnh minh họa).
2. Đau mỏi các khớp
Để chuẩn bị cho việc sinh nở qua âm đạo, hormone relaxin sẽ có nhiệm vụ làm mềm cổ tử cung và dây chằng vùng chậu. Điều này khiến cho các khớp trở nên kém ổn định và dễ bị đau mỏi hoặc gặp chấn thương hơn. Khi đi bộ, leo cầu thang có thể thấy đau khớp gối. Vì vậy, mẹ hãy đi chậm khi tập thể dục và tránh mang vác, lao động nặng. Nếu đau nhiều, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp trị liệu giảm đau phù hợp.
3. Giãn tĩnh mạch, trĩ, táo bón
Giãn tĩnh mạch, tĩnh mạch sưng, nổi gân xanh hoặc tím có thể xuất hiện trên da, ngực và chân, nhưng mẹ bầu nên biết rằng nó cũng có thể xuất hiện trong trực tràng dưới dạng bệnh trĩ hoặc trên âm hộ.
Khi mang thai, do tử cung mở rộng chèn vào tĩnh mạch lớn, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân. Vì vậy, khi ngồi mẹ cần tránh bắt chéo chân để ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch.
Đi bộ giúp máu lưu thông tốt hơn. Kê cao chân hoặc đeo tất bảo vệ bất cứ khi nào có thể. Nằm ngủ nghiêng bên trái để tránh gây áp lực lên các mạch máu chính trong cơ thể.
Tử cung mở rộng chèn vào tĩnh mạch lớn, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân. (Ảnh minh họa).
4. Ngực sưng đau
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ là vòng ngực bắt đầu căng và lớn hơn. Hai bầu ngực mẹ có thể tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ vì hormone sẽ làm tăng mô mỡ, tăng lưu lượng máu và kích hoạt các thay đổi khác để chuẩn bị việc nuôi con bằng sữa mẹ. Ngoài ra dung lượng phổi của mẹ cũng tăng lên để nạp thêm oxy cho cả em bé nên ngực mẹ cũng nở to thêm. Các hiện tượng như ngực trở nên đau, nhạy cảm, xung quanh núm vú thâm quầng hơn cũng sẽ xảy ra.
Vì vậy, trong thời gian mang thai, để cơ thể và nhất là hai bầu ngực thoải mái hơn, mẹ hãy sử dụng áo ngực dành riêng cho bà bầu. Tránh dùng loại áo có gọng cứng vì nó sẽ hạn chế sự phát triển của tuyến sữa.
Hiện tượng như ngực trở nên đau, nhạy cảm, sưng to hơn, xung quanh núm vú thâm quầng hơn cũng sẽ xảy ra. (Ảnh minh họa).
5. Chân phù và sưng to
Các nghiên cứu cho thấy rằng bàn chân của người mẹ khi có thai có thể trở nên to hơn, đặc biệt là nếu là mang thai lần đầu. Các hormone relaxin có thể làm cho khớp và dây chằng lỏng lẻo, từ đó cấu trúc bàn chân trở nên dễ uốn nắn hơn. Ngoài ra, do tích tụ chất lỏng, phù nề, áp lực toàn bộ cơ thể cồng kềnh dồn lên đôi chân nên việc chân mẹ sưng to và đau cũng sẽ xảy ra.
Mẹ cần tránh ăn quá nhiều muối vì nó gây phù nhẹ, sưng bàn chân và mắt cá chân. Khi chọn giày, hãy chọn những đôi có đế chống trượt, gót thấp thay vì giày cao gót.
6. Tâm trạng thay đổi thất thường
Sự thay đổi tâm trạng là do hormone thai kỳ, sự mệt mỏi, căng thẳng và thay đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể người mẹ. Sự thay đổi tâm trạng thất thường xảy ra trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kì.
Mẹ có thể mát xa trước khi ngủ để giảm căng thẳng mệt mỏi. Chia thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn nhiều 1 bữa lớn, lượng đường trong máu cũng có thể làm tăng sự thay đổi tâm trạng của mẹ. Chia sẻ cảm xúc với người bạn đời, người thân trong gia đình, đề nghị sự giúp đỡ khi cần.
Người mẹ cũng trải qua những cảm xúc buồn vui thất thường (Ảnh minh họa).
7. Trí nhớ giảm, nhớ trước quên sau
Những áp lực của thời kỳ mang thai khiến trí nhớ của các mẹ bầu suy giảm. Hiện tượng nhớ nhớ quên quên xuất hiện nhiều hơn. Ngoài ra việc thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, thèm ngủ khi mang thai cũng khiến trí nhớ của các mẹ bầu suy giảm. Nguyên nhân là do khi mang thai, thể tích não bộ giảm, lượng oxy trong máu cũng giảm nên gây ra tình trạng 'não cá vàng'.
Mẹ có thể dùng nhật kí để ghi chép lại công việc, tránh quên hay bỏ sót. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3, choline và chất chống oxy hóa vào chế độ ăn để hỗ trợ chức năng não khỏe mạnh hơn.
Nguồn: Parent
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!