Những con đường lây truyền của vi-rút Zika

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Ngày 23/3, Bộ Y tế xác nhận du khách Australia nhiễm vi-rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Vi-rút nguy hiểm này lây qua đường nào?

Theo trang tin CBS News (Mỹ), việc lây lan nhanh chóng vi-rút Zika tới mức báo động đã làm dấy lên những lo ngại và nghi vấn về các con đường lây nhiễm của loại vi-rút gây teo não này.

Bệnh do vi-rút Zika rất khó nhận biết, khi ước tính có khoảng 80% số người nhiễm vi-rút Zika không có biểu hiện của các triệu chứng, bao gồm: sốt nhẹ, viêm kết mạc, nhức đầu, đau khớp và phát ban. Đặc biệt, Zika có thể gây ra chứng teo não đối với thai nhi trong bụng người mẹ bị nhiễm vi-rút.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều bằng chứng khẳng định 3 con đường lây lan chính của vi-rút Zika là qua đường muỗi đốt, quan hệ tình dục và truyền máu.

Đường muỗi đốt

Tiến sĩ Tom Frieden, Giám đốc CDC cho biết muỗi Aedes, loài mang vi-rút Zika, có thể hút máu được 4-5 người trong cùng một bữa ăn, có nghĩa là nó có thể lây lan dịch bệnh nhanh chóng.

Đến nay ở Mỹ, các quan chức y tế địa phương báo cáo có ít nhất 79 trường hợp nhiễm vi-rút Zika khi du lịch, nghĩa là những người đó đã đến những vùng bệnh, bị nhiễm và phát bệnh ngay sau khi trở về nhà.

Những con đường lây truyền của vi-rút Zika

59 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận sự lưu hành của vi-rút Zika (Ảnh minh họa: Internet)

Quan hệ tình dục

Các cơ sở y tế trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp lây truyền vi-rút Zika qua đường tình dục, trong đó có một người ở Texas, Mỹ. Theo báo cáo, người này bị nhiễm vi-rút sau khi quan hệ với một người bệnh vừa trở về từ Venezuela, nơi vi-rút Zika đang bùng phát.

Theo CDC, vi-rút Zika có thể tồn tại trong tinh dịch của nam giới 10 tuần sau khi bệnh khởi phát. Một số người nhiễm bệnh nhưng lại không có biểu hiện sẽ truyền vi-rút cho các đối tác tình dục.

Vì vậy, CDC khuyến cáo những người đàn ông sống hoặc du lịch tới khu vực bị ảnh hưởng bởi vi-rút Zika nên tránh sinh hoạt tình dục, hoặc sử dụng các biện pháp phòng tránh như bao cao su, đặc biệt với phụ nữ mang thai để bảo vệ thai nhi.

Truyền máu

Theo Reuters, đầu tháng 2, các quan chức y tế Brazil đã xác nhân 2 trường hợp nhiễm bệnh qua đường truyền máu từ người mang vi-rút Zika.

Các chuyên gia khuyến cáo việc hiến máu và truyền máu cần được đảm bảo và xét nghiệm vi-rút cẩn thận. Tại Mỹ, các ngân hàng máu lớn, bao gồm cả Hội chữ thập đỏ Mỹ, đã yêu cầu người dân không nên hiến máu nếu họ vừa tới Mexico, vùng Caribbean, Nam hay Trung Mỹ trong vòng 28 ngày.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện vi-rút Zika có thể được tìm thấy trong sữa mẹ, nước bọt và nước tiểu. Tuy nhiên, tại thời điểm này vẫn chưa xảy ra trường hợp nào nhiễm vi-rút qua các con đường này.

Chiều 23/3, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia đã xác định một trường hợp nhiễm vi-rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam.

Du khách này đến Việt Nam từ ngày 26/2 và xuất cảnh về Australia ngày 6/3, đến ngày 8/3, có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn.

Trong thời gian ở Việt Nam, người này đã đi đến TP HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện tại, 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận sự lưu hành của vi-rút Zika, trong đó có một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!