Những điều bạn cần biết về bệnh trĩ

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/19/2024

Bệnh trĩ khiến bạn lo âu và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Vậy bạn đã có những kiến thức gì về bệnh trĩ?

Bệnh trĩ khiến bạn lo âu và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Vậy bạn đã có những kiến thức gì về bệnh trĩ?

Để tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến bệnh trĩ, bạn hãy đọc bài viết sau nhé.

Bệnh trĩ là bệnh gì?

Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở phần cuối trực tràng và hậu môn bị sưng và viêm. Đôi lúc lớp màng mạch máu căng quá mức khiến cho tĩnh mạch lồi ra khỏi hậu môn và gây khó chịu, nhất là khi đại tiện. Bệnh trĩ là một trong các nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu trực tràng. Bệnh trĩ ở mức độ nhẹ hầu như không gây nguy hiểm và thường tự hồi phục trong vài tuần. Nhưng bạn không nên xem thường và tốt nhất bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để chắc chắn rằng tình trạng bệnh của mình không nghiêm trọng. Trường hợp tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, bác sĩ cũng có thể sẽ khuyên bạn cắt bỏ phần trĩ nếu bệnh cứ kéo dài và gây đau đớn.

Các dạng bệnh trĩ

Bệnh trĩ có hai dạng là trĩ nội và trĩ ngoại:

  • Trĩ nội là bệnh mà các tĩnh mạch bị sưng và viêm sâu bên trong trực tràng, thông thường bạn không thể nhìn thấy hay cảm nhận được chúng. Nhìn chung, dạng bệnh này không gây đau đớn bởi vì ở hậu môn và trực tràng hầu như không có các dây thần kinh cảm giác. Chỉ có một dấu hiệu giúp bạn nhận biết bệnh trĩ nội là hiện tượng chảy máu;
  • Trĩ ngoại là bệnh mà các tĩnh mạch xung quanh hậu môn bị sưng. Vùng da này có nhiều dây thần kinh cảm giác, do đó bạn sẽ cảm thấy đau, đồng thời cũng xuất hiện tình trạng chảy máu.

Đôi khi phần trĩ sẽ sưng to hơn và nhô ra khỏi cơ thắt hậu môn, tình trạng này gọi là sa búi trĩ. Bạn có thể sẽ thấy chỗ búi trĩ chuyển sang màu hồng so với những vùng da xung quanh. Các búi trĩ sẽ khiến bạn đau đớn, nhất là khi đại tiện. Các búi trĩ bị sa sẽ tự thụt vào trong hậu môn. Thậm chí nếu chúng không tự như vậy thì bạn vẫn có thể đẩy chúng vào một cách nhẹ nhàng.

Khối máu đông được hình thành bên trong búi trĩ ngoại khiến cho nó chuyển sang màu tím hoặc xanh. Tình trạng này gọi là chứng huyết khối, gây đau đớn, ngứa ngáy dữ dội và có thể chảy máu. Khi máu đông tan đi, búi trĩ vẫn còn sót lại và điều này sẽ khiến bạn khó chịu.

Nguyên nhân gây bệnh trĩ

Do tính di truyền, vài người có lẽ sẽ bị bệnh trĩ nếu các thành viên trong gia đình như cha mẹ đã từng bị.

Sự gia tăng áp lực ở cuối trực tràng có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình lưu thông máu, khiến các tĩnh mạch sưng lên. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những người bị béo phì hay phụ nữ mang thai. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây ra bệnh trĩ như:

  • Dùng sức nhiều khi đại tiện;
  • Bị căng cơ khi bạn thực hiện hoạt động nặng như nhấc vật nặng;
  • Đứng hoặc ngồi trong thời gian quá lâu cũng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ;
  • Bạn cũng có thể bị trĩ khi bạn bị táo bón hoặc tiêu chảy lâu ngày. Ho, hắt xì, nôn mửa có thể làm tình trạng bệnh tệ hơn.

Biện pháp ngăn ngừa bệnh trĩ

Ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ

Một cách lý tưởng để tăng lượng chất xơ là bổ sung các thực phẩm như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên chất, các loại hạch, hạt, đậu và rau đậu.

Uống đủ nước

Uống đủ nước sẽ giúp bạn ngăn ngừa chứng táo bón, giảm tình trạng căng cơ khi đại tiện. Các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây và rau củ cũng là nguồn cũng cấp nhiều nước cho cơ thể.

Tập luyện nhiều

Các hoạt động thể chất như đi bộ nửa tiếng mỗi ngày sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn cũng như hỗ trợ đường ruột hoạt động tối ưu.

Không nên đi đại tiện quá lâu

Bạn nên đi toilet mỗi khi có nhu cầu. Bồn cầu nên là dạng bệ ngồi làm bằng sứ và bạn không nên ngồi ở đó quá lâu. Nhiều người cho rằng toilet là nơi thoải mái và xả hơi cho nên họ có xu hướng ngồi trong đó rất lâu, thậm chí khi họ không bị táo bón. Họ thường ngồi trong toilet để đọc báo hoặc chơi game trên điện thoại, đây thực sự là một ý tưởng không hay. Ngoài việc toilet là một nơi không sạch sẽ, nó còn gây ra những ảnh hưởng xấu cho mông như khi bạn ngồi, phần má mông áp lên bệ toilet sẽ tạo áp lực cho các mô hậu môn khiến máu chảy xuống các búi trĩ và khiến chúng sưng lên. Bạn hãy đi toilet khi thật sự cần và không ngồi trong đó lâu để làm những hoạt động khác như đọc sách hay lướt điện thoại. Điều này sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.

Mong rằng sau bài viết này, bạn có những thông tin hữu ích về bệnh trĩ, từ đó cân nhắc việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để cơ thể luôn khỏe mạnh nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Những cách đơn giản giúp bạn ngăn ngừa táo bón khi mang thai
  • Tiêu chảy ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị
  • Những điều cần tránh khi bị táo bón

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!