Những điều bạn cần chú ý về bệnh tả

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/27/2024

Bệnh tả là bệnh truyền nhiễm rất phổ biến và có thể lây lan nhanh chóng. Vì thế bạn cần tìm hiểu rõ thông tin để phòng ngừa căn bệnh này.

Bệnh tả là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng mất nước ở cơ thể bệnh nhân và thậm chí có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bạn có thể nhiễm căn bệnh này nếu ăn thức ăn hoặc uống phải nguồn nước bị ô nhiễm có chứa loại vi trùng gram âm gây dịch tả ở người.

Đại dịch tả vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng đối với những quốc gia khác trên thế giới và theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có ít nhất 150.000 trường hợp nhiễm bệnh tả.

Bệnh tả thường phổ biến nhất ở những nơi có tình trạng nghèo nàn, dân cư đông đúc, chiến tranh và đói kém như những khu vực ở Châu Phi, phía nam châu Á và một số nơi ở Mỹ Latin. Bệnh tả vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Trong bài viết dưới đây, bạn có thể tìm hiểu những thông tin cần biết về căn bệnh này để phòng tránh cho chính bản thân và gia đình.

Những nguyên nhân gây ra bệnh tả

Vi khuẩn gram âm Vibrio cholerae gây ra dịch tả ở người thường sống trong những thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Những nguồn chứa mầm bệnh phổ biến thường là các loại thực phẩm và thức uống không hợp vệ sinh, các loại rau tưới bằng nước có chứa chất thải của người nhiễm bệnh, cá sống hoặc chưa được nấu chín và các loại hải sản đánh bắt trong vùng nước ô nhiễm bởi nguồn nước thải,…

Khi một người tiêu thụ những thức ăn và nguồn nước bị ô nhiễm, vi khuẩn gây bệnh sẽ tiết ra một loại chất độc trong đường ruột và gây ra tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh tả không lây qua những tiếp xúc thông thường hàng ngày với người nhiễm bệnh.

Những triệu chứng thường gặp của người mắc bệnh tả

Các triệu chứng của bệnh tả có thể bắt đầu xuất hiện sớm nhất chỉ sau vài giờ hoặc dài nhất là 5 ngày sau khi nhiễm bệnh. Đôi lúc các triệu chứng này rất nghiêm trọng, cứ 20 người nhiễm bệnh tả thì có 1 người có triệu chứng tiêu chảy nặng đi kèm với nôn mửa dẫn đến tình trạng cơ thể bệnh nhân bị mất nước. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng gì hoặc triệu chứng rất nhẹ.

Những dấu hiệu và triệu chứng mà bạn cần chú ý về tình trạng cơ thể mất nước, bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh;
  • Da mất độ đàn hồi;
  • Các lớp niêm mạc ở miệng, cổ họng, mũi và mắt khô;
  • Hạ huyết áp;
  • Khát nước;
  • Các cơ bị chuột rút.

Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng mất nước có thể làm cho cơ thể bị sốc và thậm chí gây tử vòng chỉ trong vòng vài giờ.

Các phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh tả

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tìm ra một loại vắc xin để chống lại dịch tả, tuy nhiên trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng như tổ chức y tế thế giới (WHO) hiện nay không khuyên dùng. Bởi vì loại vắc xin này chỉ có hiệu quả không đến một nửa những người được tiêm phòng và có chỉ hiệu quả trong vòng vài tháng.

Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân và gia đình không bị lây nhiễm căn bệnh này bằng cách sử dụng nước đã được tẩy khuẩn bởi các chất hóa học và đun sôi nước trước khi uống hoặc sử dụng nước uống đóng chai. Bạn cũng cần đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch trong các sinh hoạt hàng ngày như uống, chế biến thức ăn, làm nước đá, đánh răng, rửa tay và mặt, rửa chén, bát và các đồ dùng trong nhà bếp hay rửa trái cây và rau quả.

Để đảm bảo nước uống sạch trùng, bạn nên đun nước thêm khoảng 1 đến 3 phút sau khi sôi hoặc là sử dụng bình lọc có các chất hóa học giúp loại bỏ các chất nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bạn nên tránh ăn các loại thức ăn còn sống chẳng hạn như các loại trái cây và rau củ chưa gọt vỏ; sữa và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng; thịt và các loại hải sản có vỏ còn sống hoặc chưa chín kỹ; những loại cá đánh bắt ở các rạn san hô nhiệt đới có thể bị nhiễm khuẩn.

Nếu bạn gặp tình trạng tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng ngay sau khi ăn một loại hải sản có vỏ tươi sống hoặc vừa đặt chân đến một quốc gia đang có đại dịch tả thì bạn cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị ngay lập tức. Bệnh tả có thể được điều trị hiệu quả sau khi phát hiện nhưng điều quan trọng là bạn cần được chữa trị kịp thời vì tình trạng cơ thể mất nước thường xảy ra rất nhanh chóng.

Hơn nữa, duy trì lượng nước cho cơ thể là điều thiết yếu trong quá trình điều trị bệnh tả. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiêu chảy thì các bác sĩ có thể sẽ kết hợp cả thuốc uống lẫn tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân để kịp thời bổ sung lượng nước mất đi. Bằng cách này, họ có thể giảm đi phân nửa thời gian tiêu chảy cũng như giúp hạn chế lượng chất bài tiết chứa vi khuẩn gây bệnh, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch tả.

Tóm lại, bệnh tả là bệnh truyền nhiễm rất phổ biến và có thể lây lan nhanh chóng. Nó là một căn bệnh nguy hiểm. Mặc dù bệnh tả có thể chữa trị nhưng nó có thể giết chết bạn nhanh chóng nếu như không điều trị kịp thời. Do đó, tốt nhất là bạn nên phòng bệnh bằng cách ăn chín uống sôi và rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Bạn có thể quan tâm đến các bài viết sau:

  • Bị tiêu chảy nặng – coi chừng do virus Rota!
  • 9 cách để “ăn sạch”
  • Bạn quá bận để nấu ăn ở nhà? Hãy thử 4 ngay mẹo sau

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!