Phần lớn các biện pháp tránh thai đều cần được thực hiện trước khi quan hệ một thời gian. Tuy nhiên, nếu trong tình huống bất đắc dĩ, bạn không kịp chuẩn bị trước biện pháp tránh thai, rất có khả năng bạn sẽ thụ thai. Như vậy, phải làm gì trong những trường hợp đó? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn ngừa thai khẩn cấp khi cần.
Ngừa thai khẩn cấp là gì?
Ngừa thai khẩn cấp là phương pháp ngăn ngừa mang thai sau khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su hoặc màng ngăn. Viên ngừa thai khẩn cấp (emergency contraception pills – ECPs) là thuốc uống hormone dùng sau khi quan hệ.
Có nhiều loại ECPs khác nhau, trong đó phổ biến nhất là levonorgestrel. Thời gian Levonorgestrel hoạt động tốt nhất lên đến 72 giờ và sẽ giảm khả năng thụ thai nếu dùng trong vòng 120 giờ (5 ngày) sau khi quan hệ tình dục. Levonorgestrel thường có sẵn ở các nhà thuốc. Bạn có thể mua loại thuốc này mà không cần toa nếu bạn đã 17 tuổi trở lên.
Một loại viên ngừa thai khẩn cấp khác là ulipristal acetate, thời gian tối đa có thể sử dụng thuốc là 5 ngày sau khi quan hệ tình dục.
Viên ngừa thai khẩn cấp hoạt động như thế nào?
Trong levonorgestrel có chứa hormone progesterone với liều lượng đủ cao để tránh thai. Tùy vào loại thuốc bạn chọn mà sử dụng với liều lượng thích hợp. Thuốc ngừa thai khẩn cấp hoạt động bằng cách làm chậm đi thời gian rụng trứng. Levonorgestrel không làm gián đoạn quá trình phát triển của thai nhi trong trường hợp đã xảy ra thụ tinh.
Ulipristal acetate làm chậm sự rụng trứng và có thể giúp ngăn ngừa thụ tinh. Loại này vẫn có tác dụng trong vòng 5 ngày sau khi giao hợp mà không cần sử dụng biện pháp an toàn.
Thuốc ngừa thai khẩn cấp không gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này.
Ngừa thai khẩn cấp có hiệu quả không?
Hiệu quả của phương pháp ngừa thai khẩn cấp phụ thuộc khá nhiều vào cách sử dụng. Ngừa thai khẩn cấp là phương pháp tránh thai duy nhất được sử dụng sau khi quan hệ tình dục. Nếu chu kỳ kinh nguyệt bị gián đoạn sau khi dùng thuốc, bạn nên đi khám hoặc làm xét nghiệm bằng que thử thai. Sau đây là những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp:
Các bệnh lây qua đường tình dục
Ngừa thai khẩn cấp không có tác dụng bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngay cả khi đã sử dụng một phương pháp ngừa thai, các cặp vợ chồng khi quan hệ tình dục vẫn nên sử dụng bao cao su để tự bảo vệ mình. Trong trường hợp bao cao su bị rách, nên đi xét nghiệm xem mình có bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục hay không.
Hạn chế quan hệ tình dục là phương pháp duy nhất chắc chắn ngăn ngừa tình trạng mang thai và các bệnh lây qua đường tình dục. Nếu một cô gái bị buộc phải quan hệ tình dục không mong muốn, cô ấy nên đi xét nghiêm ngay lập tức. Vì tốt hơn hết các bệnh lây qua đường tình dục nên được điều trị trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
Tác dụng phụ
Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể có những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau ngực, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt và mệt mỏi. Những tác dụng phụ thường nhẹ và hầu hết sẽ giảm trong vòng 1-2 ngày. Tuy nhiên, sau khi uống những loại thuốc này chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể sẽ tạm thời trở nên bất thường trong một thời gian.
Đối tượng sử dụng
Thuốc ngừa thai khẩn cấp không được khuyến cáo sử dụng như một phương pháp tránh thai thường xuyên. Tốt nhất, nó chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp như tình trạng rách hoặc trượt bao cao su khi quan hệ, màng ngăn cổ tử cung trượt ra khỏi vị trí, hoặc khi cô gái quên uống thuốc ngừa thai trước khi quan hệ.
Đối với những phụ nữ biết mình đã có thai, không nên sử dụng biện pháp ngừa thai khẩn cấp này.
Cách sử dụng
Thuốc tránh thai khẩn cấp hiện luôn có sẵn tại các cửa hàng thuốc hoặc phòng khám, bất cứ ai từ 17 tuổi trở lên đều có thể mua mà không cần toa bác sĩ. Những đối tượng có độ tuổi dưới 17 chỉ được mua thuốc khi có sự tư vấn của bác sĩ.
Chi phí
Tùy thuộc vào từng loại thuốc mà chi phí sẽ khác nhau, thường dao động từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng. Bạn có thể sẽ tốn ít chi phí cho các biện pháp ngừa thai khẩn cấp hơn khi có bảo hiểm y tế hay đến phòng khám kế hoạch hóa gia đình.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm hiểu các biện pháp tránh thai khác:
Tránh thai kiểu nào “chắc ăn” hơn ? (Phần 1)
Tránh thai kiểu nào “chắc ăn” hơn ? (Phần 2)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!