Nạo phá thai và những hệ lụy đau lòng ở giới trẻ

Thời sự - 11/24/2024

Theo các nhà nhân khẩu học, xét về toàn xã hội, phá thai là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến mức sinh (có thai mà không sinh). Hậu quả của phá thai là làm tăng tỷ lệ vô sinh, lại một lần nữa làm hạn chế khả năng sinh sản của phụ nữ, về lâu dài có thể là một trong những nguyên nhân làm suy giảm dân số.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn; 56 triệu ca phá thai mỗi năm, trong đó, có tới 25 triệu ca phá thai không an toàn. Cụ thể, mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn; 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn mỗi năm. Chi phí điều trị hàng năm do phá thai không an toàn được ước tính là 553 triệu đô la Mỹ.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra biến động DS-KHHGĐ thời điểm 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ độ tuổi 15-49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, cứ 1.000 phụ nữ có thai thì có 24 trường hợp ở tuổi vị thành niên; trong 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên.

Nạo phá thai và những hệ lụy đau lòng ở giới trẻ

Nạo phá thai để lại nhiều hệ lụy xấu về sức khỏe và tâm lý. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Kim Xuân Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) cho biết, cũng như nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, nạo phá thai là một thực trạng nhức nhối.

Theo Niên giám thống kê Y tế, mỗi năm có khoảng 250-300 nghìn ca phá thai được báo cáo. Con số này mới là 'phần nổi của tảng băng chìm', con số thực tế phá thai ở Việt Nam có lẽ sẽ cao hơn nhiều nếu thống kê đầy đủ số lượng nạo phá thai ở các phòng khám tư nhân.

Các chuyên gia nhận định, hiện nay, tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ ngày càng đáng báo động. Nguyên nhân là do một bộ phận giới trẻ còn thiếu kiến thức về phòng tránh thai an toàn, không biết sử dụng biện pháp tránh thai đúng cách dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Một bộ phận khác đôi khi thích cuộc sống hưởng thụ, buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến mang thai và nạo phá thai để chối bỏ.

Ngoài nguyên nhân trên, hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế, cha mẹ mải mê theo công việc nên ít có thời gian để chăm sóc con cái. Nhiều gia đình phó mặc con cho nhà trường và xã hội, đến khi phát hiện con mình có thai thì đã muộn. Hơn nữa, cha mẹ cũng ngại chia sẻ kiến thức giới tính cho con cái, chưa trở thành người đồng hành để chia sẻ.

Cùng với đó, việc nạo phá thai 'chui' tại các cơ sở y tế tư nhân vẫn diễn ra dẫn đến tình trạng nạo phá thai ngày càng trở nên nhức nhối, khó kiểm soát.

Các chuyên gia nhận định, việc phá thai không những để lại hậu quả cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về tương lai và chất lượng giống nòi. Đối với sức khỏe, nạo phá thai rất dễ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho các chị em phụ nữ, nhất là giới trẻ, như: Vô sinh do tắc dính vòi tử cung, tắc vòi trứng... Và rất nhiều bạn trẻ, sau khi nạo phá thai đã vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ nữa.

Mặt khác, việc nạo phá thai làm cho tâm trí của người mẹ không những bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm, hoang mang. Nạo phá thai vừa làm tổn thương rất lớn cho người phụ nữ sau khi lập gia đình, vừa làm cho họ luôn cảm thấy mặc cảm do những vết thương mà mình đã gây ra.

Để nâng cao nhận thức của giới trẻ về việc phòng tránh thai an toàn, tránh mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai, các chuyên gia khuyến cáo, trước tiên, mỗi bạn trẻ cần tự trang bị kiến thức giới tính, các biện pháp tránh thai an toàn thông qua các nguồn thông tin chính thống (trong trường, trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản, các chuyên gia, bác sĩ…). Không nên tự tìm hiểu qua các trang thông tin trên mạng, qua bạn bè thiếu kiến thức hay qua những phim ảnh không lành mạnh.

Cùng với đó, nhà trường cần tăng cường việc đưa giáo dục giới tính vào giờ học, giờ sinh hoạt ngoại khóa để giúp vị thành niên, thanh niên có thêm kiến thức tự bảo vệ mình, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn.

Ngoài việc truyền thông nâng cao kiến thức về phòng tránh thai an toàn, hệ lụy của nạo phá thai, theo các chuyên gia, nên chú trọng vào việc cung ứng các phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản theo hướng thân thiện với vị thành niên, thanh niên; đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai.

Về phía quản lý nhà nước, cần có biện pháp ngăn chặn nạo phá thai trái phép. Đó sẽ là một 'lá chắn' quan trọng trong việc đưa các em thoát khỏi viễn cảnh phải làm mẹ sớm.

'Phá thai là tránh sinh không phải là một biện pháp tránh thai. Vì vậy, các bạn trẻ nên chủ động, cân nhắc về quan hệ tình dục và hệ lụy của nó, trong đó, người thiệt thòi nhất chính là các bạn gái'.

Bà Trương Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!