9h 4/12 Giao lưu trực tuyến: Giải pháp nào đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên

Thời sự - 11/24/2024

Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay, theo các chuyên gia, phải giải quyết 'gốc rễ' của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, từ đó dần xóa bỏ việc lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

BẠN ĐỌC QUAN TÂM ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH CÓ THỂ GỬI CÂU HỎI NGAY TỪ BÂY GIỜ Ở PHẦN GỬI CÂU HỎI PHÍA DƯỚI BÀI VIẾT NÀY.

Trong nhân khẩu học, tỷ số giới tính khi sinh là số trẻ sơ sinh trai trên 100 trẻ sơ sinh gái. Trong đó, mức cân bằng tự nhiên là 103-107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tỷ số giới tính khi sinh đang có sự chênh lệch rõ rệt ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là một trong những thách thức lớn đối với công tác dân số hiện nay.

Theo đó, kể từ năm 2006, mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành vấn đề nóng của Việt Nam. Mặc dù xuất hiện sau một số quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam lại diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức cao và nghiêm trọng.

9h 4/12 Giao lưu trực tuyến: Giải pháp nào đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên

Theo các chuyên gia, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, dẫn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi để có con trai. Tranh minh họa

Tỷ số này đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2018. Năm 2019, tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao là 111,5 bé trai/100 bé gái.

Các nhà nhân khẩu học nhận định, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là tâm lý ưa thích con trai hơn con gái. Hiện nay, tại nhiều địa phương vẫn đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn…

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai (tính ngày rụng trứng, siêu âm lựa chọn giới tính…).

Theo dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng mà không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới không thể kết hôn vì thiếu nữ giới và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác về mặt xã hội như: Làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn…

Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ ràng vấn nạn này và đã xây dựng các cơ chế chính sách và pháp lý khác nhau để ứng phó. Luật Bình đẳng giới quy định việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác làm như vậy là vi phạm pháp luật.

Pháp lệnh Dân số năm 2003 và Nghị định số 104/2003/NĐ-CP đã nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP thậm chí còn đưa ra các quy định chi tiết về các hình phạt cho việc lựa chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi vẫn chưa đem lại nhiều kết quả khả quan.

Nhằm tìm ra những giải pháp quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2030, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, Báo điện tử Gia đình và Xã hội (giadinh.net.vn), Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề: 'Giải pháp nào đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên' vào lúc 9h ngày 4/12/2020.

Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm có:

1. Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế

2. TS Tạ Hương, Phó Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia

3. TS xã hội học Nguyễn Thị Tuyết Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

BẠN ĐỌC QUAN TÂM ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH CÓ THỂ GỬI CÂU HỎI NGAY TỪ BÂY GIỜ Ở PHẦN GỬI CÂU HỎI PHÍA DƯỚI BÀI VIẾT NÀY.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!