Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, gần 70% dân số nước ta sống tại các vùng đất thấp, trong khu vực châu thổ hoặc dọc bờ biển, khu vực miền núi. Khi nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng gần 35% dân số các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và trên 9% dân số Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp. Điều đó có nghĩa là trên 10 triệu người, chiếm 11% tổng dân số sẽ bị tác động trực tiếp.
Theo UN Women, biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên. Họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu những đồ dùng thiết yếu. Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm đối dễ bị bạo lực và xâm hại tình dục.
Kể từ đầu tháng 10, các tỉnh miền Trung ở nước ta liên tiếp chịu lũ lụt chưa từng có với những trận mưa lớn kéo dài và các trận bão dồn dập. Không chỉ thiệt hại lớn về cơ sở vật chất, vấn đề chất lượng dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ và trẻ em cũng bị ảnh hưởng.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, thảm họa thiên tai như ở miền Trung có thể làm cho cuộc sống của người dân thay đổi. Người dân không chỉ cần những nhu cầu thiết yếu, từ thức ăn và nước uống mà còn cả các vật dụng vệ sinh và chăm sóc y tế. Ở trong thảm họa thiên tai, việc mang thai và kinh nguyệt của phụ nữ vẫn diễn biến bình thường. Do đó các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục vẫn cần phải được duy trì và không bị gián đoạn. Chú trọng chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ và trẻ em vùng bị thiên tai là điều hết sức cần thiết.
Phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương trong các đợt thiên tai thảm họa. Ảnh TTXVN
Các chuyên gia của UNFPA đã tiến hành cuộc đánh giá nhanh tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Trung Việt Nam. Lũ lụt và sạt lở đất đã gây ảnh hưởng nặng nề tới các cơ sở chăm sóc y tế, làm gián đoạn các chương trình chăm sóc y tế công cộng như khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh và kế hoạch hóa gia đình. Phụ nữ và trẻ em gái không thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, bao gồm chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.
Thiên tai đã buộc phụ nữ và trẻ em gái phải di chuyển tạm đến các khu sơ tán mà không kịp chuẩn bị các các đồ dùng cần thiết. Kết quả, họ không được đảm bảo vệ sinh đúng cách, không được tiếp cận các đồ dùng cơ bản như băng vệ sinh, quần áo và đồ lót trong thời kỳ kinh nguyệt. Không chỉ vậy, việc dùng nước sạch, giặt giũ và phơi quần áo và đồ dùng vệ sinh cá nhân, cũng như xử lý đồ vệ sinh cá nhân sau khi sử dụng gặp nhiều khó khăn. Chính những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao sức khỏe sinh sản của người dân.
Nhằm nâng cao chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ và trẻ em vùng bị thiên tai, UNFPA tại Việt Nam đã viện trợ 540.000 USD để hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ và trẻ em gái ở 6 tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sau gần một tháng bão lũ liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung. Ngay sau đó, UNFPA đã phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế triển khai các đợt khám sức khỏe cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt tại 6 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Hơn nửa thập kỉ qua, trước đặc thù ở nước ta thường xuyên đối mặt với bão lụt, thiên tai, ngành Dân số cũng đã chủ động xây dựng được hệ thống tổ chức bộ máy, con người từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ đến mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Ngoài ra, chú trọng hơn đối với việc tăng cường bảo đảm dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân số để họ có kinh nghiệm chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai; bảo đảm việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trước và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật cho người dân vùng thiên tai.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!