Những điều cần biết về người chuyển giới

Sức khỏe giới tính - 05/02/2024

Thời gian sau phẫu thuật, người chuyển đổi giới tính cần tiếp tục dùng nội tiết tố và được bác sĩ tâm lý theo dõi mãi mãi.

Người chuyển giới là người được sinh ra với một giới tính sinh học bình thường, hoàn chỉnh (phân biệt rõ là nam hay nữ) nhưng lại có cảm nhận và mong muốn giới tính ngược lại. Một điều rất quan trọng là không nhất thiết phải trải qua phẫu thuật chuyển giới thì mới được xem là người chuyển giới. Chỉ cần một người mong muốn, ý thức mình phải mang giới tính ngược lại so với giới tính sinh học của mình thì đã được xem là người chuyển giới.

Tuy nhiên, nếu như pháp luật cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính (đúng với mong muốn) thì họ phải thực hiện việc phẫu thuật mới được làm lại giấy tờ tùy thân, ví dụ như chứng minh nhân dân, đăng ký lại hộ tịch,... Lúc này, họ được gọi với một khái niệm đầy đủ hơn là ‘người chuyển đổi giới tính’ (transsexual). Có hai dạng người chuyển giới: người chuyển giới nam sang nữ (male to female - MTF) và người chuyển giới nữ sang nam (female to male - FTM).

Quá trình phẫu thuật chuyển đổi giới tính là một chuỗi điều trị tâm lý - nội tiết - phẫu thuật, trong đó phẫu thuật chỉ là một mắt xích. Mắt xích quan trọng nhất là nội tiết trị liệu vì nội tiết tố giúp cho các thay đổi thuận lợi về tâm lý và cơ thể trước khi phẫu thuật và nội tiết tố cần được duy trì cả đời, trước và sau khi phẫu thuật.

Trắc nghiệm tâm lý

Quá trình trắc nghiệm tâm lý diễn ra trong 6 tháng. Trong thời gian này, họ phải ăn mặc như nữ (nếu là người chuyển giới từ nam sang nữ) và như nam (nếu là người chuyển giới từ nữ sang nam). Sau khi nghe bác sĩ tâm lý giảng giải về mọi khó khăn có thể sẽ gặp: mất gia đình, mất bạn, mất việc và bị các tác dụng phụ của nội tiết tố giới tính,... thì khoảng 40% người trong số đó bỏ cuộc.

Những điều cần biết về người chuyển giới

Phạm Lê Quỳnh Trâm hiện là người chuyển giới duy nhất nhận được giấy xác nhận thay đổi giới tính tại Việt Nam

Điều trị nội tiết

Nếu quá trình trắc nghiệm tâm lý diễn ra thành công, người chuyển giới sẽ được điều trị bằng nội tiết tố giới tính trong vòng 02 năm trước khi thực hiện phẫu thuật. Nội tiết tố sẽ giúp cơ thể họ thay đổi.

Ở người chuyển giới từ nam thành nữ, lông cơ thể giảm rõ rệt nhưng râu giảm ít hơn. Testosterone giúp lông trên cơ thể người chuyển giới từ nữ thành nam phát triển nhiều hơn sau một năm. Tinh hoàn thường giảm 25% thể tích sau một năm điều trị. Sự phân bố mỡ của cơ thể cũng thay đổi dưới tác động của nội tiết tố nữ. Tuy nhiên, đối với người chuyển giới từ nữ thành nam, nội tiết tố nam lại không làm giảm được lượng mỡ cơ thể.

Ngoài ra, nội tiết tố sinh dục không làm thay đổi bộ xương. Testosterone làm kinh nguyệt ngưng sớm ngay sau khi điều trị, đồng thời giúp giọng nói của người chuyển giới từ nữ thành nam trở nên ‘vỡ giọng’, trầm hẳn sau 3 tháng dùng thuốc, nhưng estrogene lại không thể giúp giọng của người chuyển giới từ nam thành nữ trở nên thanh tao được. Những người này cần có các bài tập về giọng nói.

Phẫu thuật

Sau 2 năm dùng nội tiết tố, khi các cơ quan đã thay đổi tới giới hạn, bệnh nhân đủ điều kiện sẽ được tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Quá trình phẫu thuật bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tiến hành phẫu cắt bỏ bộ sinh dục cũ và tạo hình bộ sinh dục mới (dương vật cho chuyển giới nam và âm đạo cho chuyển giới nữ). Giai đoạn 2 là tiến hành tạo hình toàn thân như làm ngực, lông mày, độn cằm, sửa môi, bơm mỡ...

Đối với người chuyển giới từ nam thành nữ, phẫu thuật đơn giản và dễ thành công hơn. Bác sĩ sẽ cắt bỏ hai tinh hoàn, cắt bỏ dương vật nhưng giữ lại da. Da này sẽ được khâu lộn lại để tạo thành ống âm đạo. Phẫu thuật kéo dài vài giờ. Ngực bệnh nhân sẽ được ‘nâng cấp’ bằng túi ngực giả.

Những điều cần biết về người chuyển giới

Hương Giang Idol được đánh giá là một trong những mỹ nhân chuyển giới tại Việt Nam

Đối với người chuyển giới từ nữ thành nam thì phức tạp hơn rất nhiều. Trước hết là cắt bỏ bộ ngực nữ, tạo hình lại núm vú đàn ông. Kế tiếp bệnh nhân sẽ được cắt bỏ tử cung và buồng trứng. Sáu tháng sau, họ sẽ được tạo một ống niệu đạo mới từ miệng niệu đạo cũ ra tới khớp mu và khâu bít âm đạo. Hai tinh hoàn nhựa giả được nhét vào chỗ trước đây là môi lớn. Sáu tháng sau nữa, họ sẽ được tạo dương vật mới. Đây là khâu khó nhất, kéo dài 8-10 tiếng. Có nhiều nơi để lấy da cuộn thành dương vật: cẳng tay, cánh tay, bụng, mặt ngoài đùi, cẳng chân; trong đó nơi thường được chọn là da cẳng tay. Da cẳng tay được cắt rời, cuộn lại thành hình dương vật, có ống tiểu bên trong, rồi đem nối xuống dưới. Nếu ống da sống tốt, để dương vật cương lên xuống được, sáu tháng đến một năm sau sẽ mổ lần nữa, nhét thể hang nhân tạo vào trong.

Thời gian sau phẫu thuật, người chuyển đổi giới tính cần tiếp tục dùng nội tiết tố và được bác sĩ tâm lý theo dõi mãi mãi.

Nguy cơ sức khỏe đối với người chuyển giới

Nguy cơ trong quá trình phẫu thuật: Phẫu thuật chuyển đổi giới tính là một dạng phẫu thuật vô cùng khó, ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro. Phẫu thuật có thể không thành công, phải phẫu thuật nhiều lần. Phẫu thuật tạo hình có thể mang lại một cơ thể mới không như ý muốn của bệnh nhân chuyển đổi giới tính. Bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm khuẩn nơi phẫu thuật.

Nguy cơ khi dùng nội tiết tố: Trong suốt cuộc đời sau khi phẫu thuật, người chuyển giới phải dùng thuốc nội tiết nam hoặc nữ. Việc dùng thuốc nội tiết để duy trì giới tính phụ là một ‘con dao hai lưỡi’ với những hệ quả tiêu cực đến sức khỏe bởi đây là nhóm thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn. Các androgen sinh dục nếu dùng thường xuyên không những tác động đến các yếu tố phụ của giới tính như lông, râu, tóc, mô mỡ trên cơ thể mà còn có thể gây ung thư và các bệnh về tim mạch. Việc dùng thuốc không đúng phác đồ điều trị và không được các chuyên gia hàng đầu về nội tiết sinh dục theo dõi chặt chẽ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Vì vậy, điều trị chuyển giới muốn an toàn thì người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa kê toa thuốc, theo dõi định kỳ, điều chỉnh liều lượng.

Những điều cần biết về người chuyển giới

Hương Giang Idol

Nguy cơ về sức khỏe tâm thần: Người chuyển giới phải chịu đựng những vấn đề về sức khỏe tâm thần nếu họ không có tâm lý ổn định. Sự phân biệt đối xử và những xung đột nội giới mà người chuyển giới phải chịu đựng có thể đẩy họ vào tình trạng có nguy cơ cao về những vấn đề sức khỏe tâm thần.

Vấn đề tình dục và khả năng sinh sản của người chuyển giới

Vấn đề tình dục: Tình dục do nội tiết tố sinh dục đóng vai trò quyết định. Khi cắt bỏ buồng trứng hoặc hai tinh hoàn, người chuyển giới sử dụng liệu pháp nội tiết tố thay thế kéo dài, chứ không phải nội tiết tố nội sinh. Do vậy, khả năng tình dục của người chuyển giới ngày càng kém. Sau khi phẫu thuật chuyển giới thành công, họ vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng không như bình thường. Cực khoái có thể đạt đến đỉnh điểm nhưng không thể tốt như tự nhiên.

Khả năng sinh sản: Người chuyển giới muốn có con thì phải có trước khi làm phẫu thuật chuyển giới. Sau khi đã phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh dục mới thì việc mang thai, sinh con là điều không thể. Khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính, các bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ cơ quan sinh dục thuộc giới tính mà người muốn chuyển đổi giới đang mang, sau đó tạo thêm cơ quan sinh dục mới. Bộ phận sinh dục mới chỉ có chức năng tiểu tiện và quan hệ tình dục còn chức năng mang thai và sinh con thì không thể vì không có tử cung. Vì thế, người chuyển giới muốn thực hiện thiên chức của mình thì phải có con trước khi làm phẫu thuật.

  Khám phá nhiều thông tin về cộng đồng LGBT tại đây

 

 Ảnh minh họa: Baodatviet.vn, Internet

Thúy Nga

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!