Những điều cực thú vị về Tết Âm lịch

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Cùng khám phá những bí mật thú vị xoay quanh một trong những lễ hội đón năm mới lớn nhất trên thế giới.

1. Ngày 8/2/2016 đánh dấu ngày đầu tiên của năm mới Bính Thân tại nhiều nước châu Á. Nhưng điều thú vị nằm ở chỗ, nếu tính theo Âm lịch thì năm nay sẽ không phải là năm 2016 như mọi người vẫn lầm tưởng mà phải là 4714. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là bởi tết Nguyên đán có thời điểm ra đời xa hơn rất nhiều so với tết Dương lịch.

2. Không giống như lịch Công giáo, mỗi năm Âm lịch sẽ được gắn liền với một con giáp. Có tổng cộng 12 loài vật bao gồm: Tí (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo/thỏ), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê/cừu), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn).

Về sự tích ra đời của 12 con giáp, tương truyền, một lần, Đức Phật cho mời muôn loài trên thế giới tới dự tiệc chào năm mới. Lời mời đã được gửi đi với tất cả thành ý nhưng cuối cùng chỉ có 12 con vật tới dự tiệc. Cảm kích trước sự nhiệt tình, Đức Phật đã quyết định đặt tên của chúng cho các năm. Thứ tự đặt tên của 12 'vị khách' này cũng rất đơn giản: Ai đến trước được đặt trước, ai đến sau thì nhận năm liền kề.

3. Tết Nguyên đán là dịp lễ đón chào năm mới của 1/5 dân số trên thế giới. Thông thường vào những ngày này, mọi cơ quan, cửa hàng, trường học đều đóng cửa. Trung bình, dịp tết Nguyên đán thường kéo dài từ 3 - 14 ngày.

Tại Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, dịp nghỉ tết Âm lịch được coi như ngày lễ chung của cả nước.

4. Theo truyền thống, ngày tết Âm lịch là dịp để mọi gia đình được đoàn tụ. Vì thế mà mọi người - dù có ở bất cứ đâu - cũng đều cố gắng về với người thân sau 1 năm dài xa cách. Ước tính, hơn 1 tỷ người sẽ sử dụng các phương tiện như máy bay, tàu hỏa, xe ôtô để di chuyển trong những ngày tết Nguyên đán. Vì lẽ đó, đây được coi là dịp di cư lớn nhất trong năm của loài người.

5. Truyền thuyết của người Trung Quốc kể rằng, trong ngày đầu tiên của tết Nguyên đán, một sinh vật có tên Niên sẽ xuất hiện để bắt cóc trẻ con và phá hoại hoa màu, mùa màng. Để bảo vệ bản thân và gia đình, người dân làng sẽ đặt đồ ăn trước cửa nhà để đánh lạc hướng con quái vật.

Ngoài ra, đèn lồng đỏ và pháo cũng được đốt lên bởi người ta tin rằng, Niên rất sợ màu đỏ và những âm thanh lớn. Tại một số nơi còn có nghi thức bắn pháo hoa để tiễn năm cũ và đón chào năm mới.

Những điều cực thú vị về Tết Âm lịch

Đèn lồng đỏ tượng trưng cho may mắn trong năm mới (Ảnh minh họa: Internet)

6. Người Trung Quốc cổ quan niệm mùng 2 của dịp tết Âm lịch chính là ngày sinh của loài chó. Và vì thế trong ngày này, mọi người phải đối xử thật tốt đối loài vật nuôi trong gia đình.

7. Một truyền thống không thể bỏ qua trong những ngày tết Nguyên đán đó là lì xì. Người lớn sẽ tặng cho trẻ nhỏ những phong bao màu đỏ có chứa tiền bên trong với ước mong mang lại sự may mắn. Tuy nhiên, người Trung Quốc cũng có những quy định riêng về tục lệ này. Cụ thể, tiền lì xì thường phải là số chẵn và không được phép chia hết cho 4, bởi từ 'tứ' (số 4) đồng âm với từ 'tử' (chết) trong tiếng Trung Quốc.

8. Cũng theo quan niệm của người Trung Quốc và Hàn Quốc, ngày thứ 7 của năm mới là ngày loài người ra đời (nhân nhật). Do đó, tất cả sẽ đều tự động già thêm 1 tuổi sau ngày này. Nói theo cách khác, nếu một đứa trẻ chào đời ngày mùng 6 thì sau ngày mùng 7, nó vẫn được tính là 1 tuổi. Có thể nói, đây cũng giống như ngày sinh nhật chung của tất cả mọi người.

9. Ở Trung Quốc, tết Nguyên Tiêu được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là 'Lễ hội đèn hoa' hoặc 'Hội hoa đăng'. Trong ngày cuối cùng của tết Nguyên đán, người dân sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những chiếc lồng đèn có hình thù rồng, phượng, 12 con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích.

Những điều cực thú vị về Tết Âm lịch

Bên cạnh hoa đào thì hoa mai vàng tượng trưng cho ngày Tết Nguyên đán (Ảnh minh họa: Internet)

Ngoài ra còn những tập tục khác như cúng tế cầu an cầu phước, ăn bánh trôi, thi đoán hình thù trên lồng đèn, giải đố, ngâm thơ. Người ta tin rằng, những chiếc đèn sẽ dẫn lối cho những linh hồn lạc lối quay trở về đoàn tụ với gia đình.

10. Đỏ được coi là màu sắc đặc trưng của dịp tết Âm lịch bởi nó đem đến may mắn cũng như xua tan ma quỷ. Không chỉ trang trí đường phố, nhà cửa bằng màu đỏ, người Trung Quốc cũng mặc đồ lót màu đỏ trong những ngày Tết.

Đặc biệt, với những người năm tuổi, đây là điều bắt buộc phải tuân theo bởi nó được cho là sẽ giảm bớt phần nào những vận hạn mà họ sẽ gặp trong năm nay. Một điểm thú vị khác là từ quần trong tiếng Quảng Đông, có cách phát âm giống hệt từ 'phú' (giàu có).

11. Thông thường, những ngày tết Âm lịch, các gia đình thường bày biện các khay bánh kẹo nhiều màu sắc như biểu tượng cho sự may mắn và sum vầy, đoàn tụ giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam và Trung Quốc cũng rất thích cắn hạt dưa bởi chúng mang ý nghĩa thuận lợi trong việc sinh con đẻ cái.

Thanh Tâm

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!