Những học sinh trung học càng học khối lớp lớn càng dễ bị bắt nạt

Nuôi dạy con - 03/29/2024

Bắt nạt học sinh là hành vi cố ý gây hại có tính chất lặp đi lặp lại của một hay nhiều học sinh đối với học sinh khác, liên quan đến sự mất cân bằng quyền lực, xảy ra tại trường học.

Một học sinh có thể là người có hành vi bắt nạt, là nạn nhân của bắt nạt hoặc cả hai. Bắt nạt học sinh là một dạng của bạo lực học đường, có thể gây ra tổn thương về mặt thể chất, tinh thần và xã hội, thậm chí là tử vong, và đã trở thành một vấn đề y tế công cộng được quan tâm trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam.

Trên thế giới, mỗi năm có 6 triệu trẻ trai và 4 triệu trẻ gái có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường, trên 3,2 triệu học sinh là nạn nhân của bắt nạt mỗi năm. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 28% học sinh từ 12 - 18 tuổi bị bắt nạt tại trường học, trong đó 18% học sinh bị xúc phạm, trêu chọc, 18% là nạn nhân của những tin đồn, 5% bị đe dọa và 3% học sinh bị bắt làm những điều mà họ không muốn.

Một số nước có xu hướng giảm về tỉ lệ bị bắt nạt và có hành vi bắt nạt người khác như Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Nauy. Bên cạnh đó, một số nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan có tỉ lệ bị bắt nạt vẫn gia tăng ở cả hai giới.

Theo báo cáo của tổ chức Plan International (PI), khảo sát trên 5 quốc gia châu Á cho thấy học sinh 12 đến 17 tuổi bị bắt nạt trong 6 tháng qua dao động trong khoảng 28% đến 75% với các hình thức bắt nạt thể chất, bắt nạt tinh thần và lạm dụng tình dục, trong đó, tỉ lệ bị bắt nạt ở Việt Nam là 71%.

Những học sinh trung học càng học khối lớp lớn càng dễ bị bắt nạtẢnh minh họa

Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây học sinh bị bắt nạt như hăm dọa, đánh đập được chia sẻ phổ biến trên các trang mạng xã hội. Hành vi bắt nạt trong độ tuổi đi học liên quan đến các vấn đề như thành tích học tập kém, hút thuốc lá và xu hướng lạm dụng rượu tăng, khả năng kiểm soát cảm xúc kém, có nguy cơ tự tử tiềm ẩn.

Có mối liên quan giữa học sinh bị bắt nạt với các yếu tố:

- Đặc điểm cá nhân: hạnh kiểm, học lực, giới tính và khối lớp của học sinh

- Gia đình: nghề nghiệp, học vấn, tình trạng hôn nhân của cha mẹ, kinh tế gia đình, học sinh sống chung với ai, mức độ quan tâm của gia đình, mức độ học sinh chứng kiến bạo hành gia đình và mức độ bị người thân la mắng, đánh đập.

- Môi trường sống: mức độ đánh nhau, cãi nhau tại nơi sinh sống và tệ nạn xã hội.

- Nhà trường: mối quan hệ với giáo viên, học sinh sống cô lập và chứng kiến bắt nạt tại trường học.

Theo một nghiên cứu trên 248 học sinh trung học cơ sở tại tỉnh Phú Yên, tỉ lệ học sinh bị bắt nạt là 37,9%. Những yếu tố liên quan đến bị bắt nạt ở học sinh là học lực, hạnh kiểm, khối lớp, kinh tế gia đình, tình trạng đánh nhau/cãi nhau và xảy ra các tệ nạn xã hội tại khu vực sống, có chứng kiến bắt nạt trong trường học và mối quan hệ không tốt với thầy cô. Trong đó 3 yếu tố gồm học lực, kinh tế gia đình và tình trạng đánh nhau hoặc cãi nhau tại khu vực sống cần được chú trọng.

Trong nghiên cứu trên, phần lớn học sinh nhận được sự quan tâm từ gia đình, trong đó 64,5% cho là rất quan tâm và 31,1% là quan tâm, có 0,8% cho rằng không được gia đình quan tâm.

Trong 12 tháng qua, đa số học sinh không chứng kiến bạo lực gia đình (60,1%), nhưng có tới 51,6% học sinh trả lời đã bị người thân la mắng đánh đập, trong đó 6,8% học sinh bị la mắng, đánh đập với mức độ thường xuyên. Hơn 50% học sinh sống trong khu vực có xảy ra đánh nhau hoặc cãi nhau, với mức độ thỉnh thoảng là 43,1% và thường xuyên là 8,9%. Một phần nhỏ học sinh sống trong khu vực có các tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp, cướp giật…

Một điều đặc biệt, những học sinh từ khối lớp 7 đến khối lớp 9 trong nghiên cứu này có tỉ lệ bị bắt nạt cao hơn so với học sinh lớp 6.Học sinh có học lực từ khá trở xuống có tỉ lệ bị bắt nạt cao hơn so với học sinh có học lực giỏi.Học sinh có hạnh kiểm từ khá trở xuống có tỉ lệ bị bắt nạt cao hơn so với học sinh có hạnh kiểm tốt.

Theo định nghĩa, trêu chọc được thực hiện một cách thân thiện, vui vẻ không được xem là bắt nạt, có thể học sinh đang trong độ tuổi có sự biến chuyển về mặt tâm lý, những học sinh ở khối lớp lớn hơn dễ nhạy cảm hơn với sự trêu chọc của bạn bè và cho rằng đó là hành vi bắt nạt đối với mình.

Những học sinh có học lực kém thường bị bạn bè trêu chọc gây khó chịu hoặc ít được chú ý gây cảm giác bị xa lánh, đó được xem là những hình thức bắt nạt. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là không muốn cho con em mình chơi với những trẻ sống ở môi trường sống phức tạp, có lẽ vì vậy mà những học sinh sống ở nơi thường xuyên xảy ra đánh nhau/cãi nhau thường bị bắt nạt hơn.

Bên cạnh đó, với những học sinh có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, thứ nhất, có thể cách ứng xử của các em chưa phù hợp; thứ hai, các em thường mang những đồ vật có giá trị đến lớp, vô hình chung những điều đó đã khiến các em trở thành nạn nhân của bắt nạt trong trường học.

Mặc dù mối liên quan giữa học sinh bị bắt nạt với các yếu tố khác về đặc điểm nhà trường là chưa rõ ràng, song vẫn cần sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà trường. Việc học sinh nhận định rằng giáo viên đối xử không công bằng có thể nảy sinh sự ganh tị, dẫn đến những ứng xử không phù hợp giữa các học sinh với nhau.

Bên cạnh đó, tác động từ phương pháp giáo dục có thể có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến nhận thức của học sinh, vì vậy việc lựa chọn hình thức xử phạt một cách hợp lý và khoa học là quan trọng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!