Những lễ hội đầu xuân bạn nên tham gia

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Những lễ hội lớn của nước ta thường được tổ chức vào dịp đầu năm. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu với bạn những điểm đến thu hút đông đảo du khách.

1. Lễ hội chợ Viềng (Nam Định)

Chợ Viềng diễn ra vào nửa đêm mồng 7 tháng Giêng và kéo dài đến hết ngày hôm sau. Cứ đến ngày này hàng năm, du khách trong Nam ngoài Bắc lại nô nức đổ về xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định) trẩy hội chợ Viềng đồng thời dự hội Phủ Giày – một phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong 'tứ bất tử' ở nước ta. Chợ Viềng là phiên chợ cầu may duy nhất trong năm. Ở đây kẻ mua người bán vô cùng coi trọng yếu tố tâm linh, chú trọng vào cầu an, cầu phước nên không hề có chuyện nói thách hay kì kèo mặc cả.

Chợ Viềng nằm trong cụm địa danh được xếp hạng 'di tích lịch sử văn hoá' ở Nam Định. Xuân này có dịp bạn hãy ghé qua vùng đất Thành Nam xem sao.

Những lễ hội đầu xuân bạn nên tham gia

Lễ hội chợ Viềng (Nam Định)

2. Hội khai ấn Đền Trần

Nếu như du khách trẩy hội chợ Viềng là để cầu may thì dự lễ khai ấn Đền Trần (cũng thuộc tỉnh Nam Định) lại chú trọng việc xin ấn cầu thăng quan tiến chức. Đây được đánh giá là lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm.

Hội diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 16 tháng Giêng. Trong khi đợi lễ phát ấn đêm 14 và đầu ngày Rằm du khách có thể tham gia các lễ hội truyền thống như múa lân, hát chèo, hát chầu văn, đấu cờ người, biểu diễn võ thuật… bên ngoài cổng Ngũ môn Đền Trần.

3. Lễ hội chùa Hương

Dân ta coi trẩy hội chùa Hương là lễ hội về nguồn, về với nơi đất Phật. Chùa Hương thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội bắt đầu từ mồng 6 Tết đến cuối tháng 3 âm lịch.

Vào dịp này, các Phật tử và du khách bốn phương hướng về chùa Hương với tấm lòng thành kính nhất để dâng nén tâm hương nơi Bồ Tát Quan Thế Âm linh ứng tu hành. Từ Rằm tháng Giêng đến 18 tháng Hai âm lịch là lễ hội 'Khai sơn' (mở cửa rừng) cũng rất náo nhiệt.

Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn … Có thể nói, trẩy hội chùa Hương không chỉ đơn thuần là tìm đến chốn Phật đài hay bầu trời, cảnh bụt, mà trên hết là để thỏa mãn cái khao khát hòa nhập giữa con người trước thiên nhiên oai hùng.

Những lễ hội đầu xuân bạn nên tham gia

Lễ hội chùa Hương

4. Lễ hội Bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho ngự ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Người ta đến với lễ hội này với ước mong cầu tài, phát lộc, năm mới làm ăn suôn sẻ. Lễ được sửa dưới hình thức dâng tấu sớ 'vay vốn' bà và hứa hẹn bao lâu sẽ trả (tạ lễ).

Hội diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm nhưng ngay từ đầu tháng thập phương du khách đã ghé đây vô cùng nhộn nhịp.

5. Hội Lim

Hội diễn ra ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm và có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát. Tương truyền, hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ tiếng hát của chàng Trương trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương. Đây cũng là lễ hội kết tinh văn hóa lớn nhất nhì vùng Kinh Bắc với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống và tín ngưỡng tâm linh. Tại đây còn có nhiều hoạt động dân gian như hát quan họ, giao lưu đối đáp giữa các liền anh, liền chị, đấu võ, đấu vật, đu tiên, dệt cửi, nấu cơm thi, chơi cờ người…

6. Lễ hội chém Lợn

Lễ được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trước nay hội luôn thu hút hàng nghìn người dân xung quanh đến dự và chứng kiến cảnh chém lợn hiến tế. Người dân có lệ dùng tiền quết máu heo với hy vọng gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong chăn nuôi, làm ăn trong năm mới.

Tuy nhiên hiện nay lễ hội đang bị chỉ trích bởi nhiều ý kiến trái chiều do tính chất 'dã man' của nghi lễ.

Những lễ hội đầu xuân bạn nên tham gia

Lễ hội chém Lợn

7. Lễ hội núi Bà Đen

Khai mạc vào mùng 4 sau Tết Nguyên Đán, lễ hội núi Bà Đen ở Tây Ninh là một trong những lễ hội đầu xuân lớn nhất phương Nam. Khi tham gia các hoạt động tín ngưỡng tại lễ hội như lễ Phật, ghé điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, thăm miếu Sơn Thần, du khách có thể thả mình vào chốn bồng lai tiên cảnh giữa lưng chừng trời mây nơi đây. Song song với đó, du khách còn có thể theo dõi các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thi đấu, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…

8. Lễ hội Yên Tử

Núi Yên Tử cao hơn 1.000 m được coi là đất tổ Phật giáo Việt Nam, là một di tích kết hợp hài hòa và hấp dẫn bởi cả chiều sâu lịch sử và cảnh đẹp kỳ bí của thiên nhiên hoang sơ cõi thiền. Lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Lễ hội bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba Âm lịch.

Du khách hành hương về Yên Tử với ước nguyện 'cầu may vạn phúc'. Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm. Ngoài ra còn có văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh cùng những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính.

Lễ khai ấn 'Dấu Thiêng Chùa Đồng' đầu năm cũng rất quan trọng đối với các Phật tử cũng như thập phương du khách.

Những lễ hội đầu xuân bạn nên tham gia

Lễ hội Yên Tử


Thanh Lê

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!