Viêm nhiễm tác động xấu tới cơ thể và có thể dẫn tới những bệnh mãn tính gây chết người như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, ung thư và chứng mất trí.
Tình trạng này giống như một cuộc chiến diễn ra trong cơ thể. Bất cứ khi nào bạn hấp thụ thức ăn hoặc bị vi khuẩn xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ gây phản ứng viêm để giảm bớt ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài này. Sau đó, quá trình chống viêm diễn ra, được thúc đẩy nhờ các chất dinh dưỡng và khoáng chất tồn tại trong cơ thể.
Zhaoping Li, chuyên gia y khoa kiêm giám đốc Trung tâm dinh dưỡng Human UCLA cho biết, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và giúp cơ thể trở lại trạng thái tự nhiên, cân bằng. Viêm nhiễm gây hại chỉ khi quá trình chống viêm không diễn ra hoặc không đem lại hiệu quả. Tình trạng này kéo dài là nền tảng hình thành các bệnh mãn tính.
Mặc dù vậy, viêm vẫn là một quá trình tự nhiên diễn ra khi chúng ta tiêu thụ thực phẩm, bị thương hoặc gặp phải tác động từ bên ngoài. Góp phần tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa ảnh hưởng từ môi trường tới sức khỏe là mặt tốt của hiện tượng này.
Mọi người có thể thay đổi chế độ dinh dưỡng để đối phó với tình trạng viêm nhiễm mãn tính. Đầu tiên, bạn cần tránh ăn no để giảm bớt gánh nặng cho cơ thể. Sau đó, hãy tiêu thụ một số loại thực phẩm lành mạnh giúp hạn chế tác động của cơ chế tự bảo vệ này:
Quả bơ
Nếu thường xuyên tiêu thụ loại quả này vào buổi sáng, cơ thể bạn sẽ được bảo vệ. Theo Keri Gans, bác sĩ, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại New York kiêm tác giả của cuốn The Small Change Diet, bơ cung cấp một lượng lớn chất béo không bão hòa đơn và các chất chống oxy hóa. Vitamin C, A và E trong loại quả này có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và tim mạch.
Bơ có khả năng kiểm soát tác động của những thực phẩm gây viêm nhiễm như hamburger và đồ chiên rán. Tăng cường calo và giảm thiểu viêm nhiễm khi tiêu thụ thức ăn là lợi ích tuyệt vời của loại quả này.
Cá hồi
Khi đề cập tới các loại cá béo và đặc tính chống viêm của chúng, mọi người không thể không nhắc đến axit béo omega-3. Nhờ khả năng kháng viêm mạnh mẽ, hợp chất này góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đau khớp và trầm cảm.
Mọi người có thể chế biến cá hồi kèm với dầu ô liu, muối, hạt tiêu, chanh tươi hoặc thêm chút mật ong để vừa tạo hương vị vừa tăng cường đặc tính chống viêm.
Hạnh nhân
Tránh tiêu thụ thực phẩm chứa chất béo bão hòa là một trong những việc làm quan trọng giúp ngăn ngừa viêm nhiễm. Hãy thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm sở hữu một lượng lớn chất béo không bão hòa đơn như hạnh nhân. Loại hạt này cũng rất giàu vitamin E và mangan.
Julie Upton, chuyên gia dinh dưỡng kiêm người sáng lập tổ chức Appetite for Health giải thích, chất béo không bão hòa đơn đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp giảm viêm nhiễm trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu có ý định sử dụng loại hạt này, bạn cần kiểm soát khẩu phần ăn để tránh tăng cân.
Quả việt quất
Trái cây càng nhiều màu sắc thì càng có khả năng chống viêm. Gerard Mullin, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Viện Johns Hopkins Medicine cho biết, việt quất là loại quả sở hữu một lượng lớn hợp chất chống oxy hóa tự nhiên polyphenol giúp trung hòa các phản ứng viêm trong cơ thể.
Giống hạnh nhân và các loại hạt khác, bạn cần kiểm soát khẩu phần tiêu thụ quả việt quất. Các loại quả mọng chứa nhiều đường nên chúng sẽ gây phản tác dụng nếu bạn lạm dụng.
Đỗ đen
Đỗ đen chứa một lượng lớn hợp chất polyphenol có khả năng chống viêm. Không những thế, nửa bát đỗ còn đem lại khoảng 8 gram chất xơ có lợi cho đường tiêu hóa. Tiêu thụ nhiều chất xơ sẽ giúp làm giảm nồng độ cholesterol, kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa những vấn đề về đường ruột.
Quả hồ trăn (hạt dẻ cười)
Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng viêm mãn tính là lượng đường trong máu tăng cao. Một nghiên cứu vào năm 2015 tại Viện nghiên cứu Austin Urology cho thấy, sử dụng quả hồ trăn kèm với bánh mì trắng giúp hạn chế đáng kể triệu chứng viêm nhiễm. Hơn nữa, dù sở hữu nhiều calo, loại quả này có khả năng kiểm soát lượng đường huyết ở mức ổn định.
Mọi người có thể tiêu thụ quả hồ trăn trực tiếp hoặc rang với muối. Lorraine Kearney, phó giáo sư tại Đại học Thành phố New York đã chỉ ra, sử dụng trực tiếp loại quả này có thể bổ sung chất chống oxy hóa gấp hai lần so với việc rang chín.
Nước lựu
Trên thực tế, hạt lựu rất bổ dưỡng và chứa nhiều chất chống oxy hóa. Hơn nữa, sử dụng nước ép lựu cũng ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Mặc dù chứa một lượng đường nhất định, loại quả này hiếm khi tác động tới sức khỏe chúng ta.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên lạm dụng các loại đồ uống trái cây. Trên thực tế, Lisa Markley, chuyên gia dinh dưỡng kiêm đồng tác giả của cuốn The Essential Essentials Thyroid Cookbook giải thích, ngoài chất béo bão hòa, đường là một trong những nguyên nhân chính gây viêm mãn tính. Khi chúng kết hợp với nhau, mức độ viêm nhiễm sẽ tăng cao. Do đó, kiểm soát lượng đường tiêu thụ và sử dụng các loại nước ép chứa glucose tự nhiên như nước lựu là việc làm rất quan trọng.
Rau chân vịt
Giống trái cây, các loại rau nhiều màu như rau chân vịt rất giàu polyphenol. Leah Groppo, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Stanford cho biết, mọi người cần sử dụng loại rau này thường xuyên để tránh và giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của viêm nhiễm.
Bạn có thể chế biến chúng kèm với các loại thực phẩm khác để vừa dễ tiêu thụ vừa tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể.
Măng tây
Trên thực tế, đường ruột là bộ phận vô cùng quan trọng, ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Duy trì sức khỏe đường ruột có khả năng tác động tới viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể với môi trường bên ngoài
Prebiotic là một loại chất xơ lên men mà dạ dày chúng ta không thể tiêu hóa được. Theo Marisa Moore, chuyên gia y khoa kiêm người phát ngôn của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết, chúng là nguồn thức ăn chính của lợi khuẩn trong đường ruột. Prebiotic có khả năng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng nguồn cung cấp tốt nhất là măng tây hoặc tỏi tây. Các loại thực phẩm này không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm mà còn duy trì sức khỏe của lợi khuẩn trong đường ruột.
Lòng trắng trứng
Hãy đưa lòng trắng trứng vào chế độ ăn uống hàng ngày nếu bạn mong muốn tiêu thụ các loại thực phẩm chống viêm có nguồn gốc từ động vật. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết, chúng có đặc tính hỗ trợ hệ miễn dịch tăng cường chống viêm. Ngoài ra, tiêu thụ lòng trắng trứng cũng không gây nhiều ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa.
(Nguồn: Pre)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!