Trong buổi nói chuyện cuối năm tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM, tiến sĩ Trần Long, trưởng bộ môn văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Đại học KHXH&NV TP HCM cho biết phong thủy chính là làm sao để con người tương thích với môi trường. Tuân theo phong thủy, sống hài hòa với tự nhiên thì sẽ vô bệnh.
Trong cách trang trí nhà cửa ngày Tết của người Việt thực ra có dấu ấn rất lớn của phong thủy, với những Âm Dương, Tam Tài, Ngũ Hành và Bát Quái.
Bàn thờ tổ tiên ngày Tết - Ảnh: Văn Hải.
Mâm ngũ quả
Nguồn gốc của mâm ngũ quả xuất phát từ triết lý Ngũ Hành. Người ta tìm kiếm 5 loại trái cây ngon nhất - những tinh túy của bốn phương đem cúng cho tổ tiên để mong sự hanh thông.
Trong ngũ hành (Kim, Mộc, Thổ, Thủy, Hỏa), có sự tương sinh (Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy), khi ngũ hành tương sinh, vận chuyển thông suốt thì đó chính là sự hanh thông, phát triển đi lên. Bên cạnh đó, ngũ hành cũng có sự tương khắc (Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy), để tạo động lực cho phát triển. Ngũ hành tương khắc dạy con người phương Đông biết chấp nhận sự khó khăn, sự khác biệt và cả sự phá hủy.
Mâm ngũ quả xuất hiện trong ngày Tết để nói rằng ngày Tết không phải tất cả đều hạnh phúc, trong hạnh phúc cũng tiềm ẩn bất hạnh, nhưng người ta sẽ hướng đến yếu tố hạnh phúc nhiều hơn. Mâm ngũ quả nên bày nhiều màu sắc dương (xanh, đỏ, vàng). Những màu âm (đen, trắng, xám, nâu) không được nổi trội. Những trái hồng xiêm, măng cụt, nho, lê chỉ nên là chấm phá.
Tùy văn hóa vùng miền, các mâm ngũ quả ngày Tết cũng có sự khác nhau. Mâm ngũ quả của người miền Bắc, miền Trung luôn có chuối - nải chuối giống cánh tay phúc hậu như tay Phật, nâng đỡ tất cả những cái khác bên trên. Trái chuối màu xanh cũng là màu dương. Ngoài ra, một quả không thể thiếu nữa là quả bưởi. Cả chuối và bưởi đều tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Những người sùng đạo thì có thể thay bưởi bằng phật thủ.
Người miền Nam vốn là dân di cư, họ cúng những trái cây miền Nam đã nuôi sống mình trong ngày đầu đặt chân đến vùng mới như xoài, dừa… Mâm ngũ quả của người miền Nam thường là một cách đọc chệch tên của các loại quả: Cầu (mãng cầu) xài (xoài) vừa (dừa) đủ (đu đủ) no (nho), hay Cầu xài vừa đủ sung (sung). Người miền Nam không thích chuối (bởi nói chệch thành chúi), không thích cam (nghe như cam chịu), không thích quýt (cùng vần với quỵt). Mâm ngũ quả của người Nam Bộ là biến thể cả về âm từ, cả về ý nghĩa của cây trái, phù hợp với đời sống thực của người miền Nam, không còn nhiều lệ. Văn hóa Nam Bộ giải thiêng và mở luôn cả triết lý, không có gì cầu kỳ, như chính những con người miền Nam bộc trực phóng khoáng.
Bánh chưng bánh tét
Bánh chưng bánh tét chính là một biểu hiện của triết lý Âm Dương, Ngũ Hành. Nguyên liệu để làm nên những sản phẩm này có cả tính nóng (nếp, tiêu...) và tính hàn (đậu xanh, mỡ). Trong mỗi chiếc bánh có đầy đủ các màu sắc dương - âm: màu xanh của gạo, vàng của đậu, hồng của thịt, trắng của mỡ, đen của tiêu…
Cây cảnh và hoa
Người xưa quan niệm: Xuân sinh (muôn loài sinh sôi), Hạ trưởng (cây cối đến giai đoạn trưởng thành), Thu thu (cây cối hoa màu đến giai đoạn thu hoạch) và Đông tàng (cây cối khẳng khiu trơ trọi lá, như tàng hình, để chờ đợi đến mùa xuân nảy lộc sinh sôi). Vì Xuân sinh nên người ta thường trưng cây (đào mai, quất...), hoặc ít ra cũng có một lọ hoa bày trong nhà trong ngày Tết.
Cách cắm hoa ngày Tết (dù bày phòng khách trên bàn thờ) theo đúng phong thủy thì nên cắm hoa nhiều màu sắc, nhiều loại hoa. Lọ hoa ngày Tết nên hạn chế màu trắng vì màu trắng có tính âm. Tăng cường các màu có tính dương như xanh đỏ vàng. Đa số người ta thường cắm hoa theo ba tầng: thấp vừa cao, thể hiện theo nguyên lý Tam tài. Cắm bông to, bông nhỏ như một sự cân bằng âm dương.
Phủ vải đỏ trên những vật thiêng
Những vật thiêng, những di ảnh, bài vị, gia phả vốn thuộc về thế giới Âm, không thuộc thế giới này nên ta phải phủ kín những vật đó. Tuy nhiên, chúng ta không được dùng vải đen hay trắng để phủ mà phải dùng vải đỏ. Bởi vì cái thiêng không thuộc thế giới này nhưng tồn tại trong thế giới này trong màu đỏ, như hiển hiện trong đời sống tâm linh, vẫn đang sống (dương) trong giá trị tinh thần của người Việt.
Bài trí bàn thờ theo Bát quái
Luật Bát Quái thể hiện tính thứ bậc, trước sau, thể hiện chữ lễ, lý tính trong tâm thức con người Á Đông bởi trong Bát Quái, Âm Dương phát triển từ Vô Cực đến Thái Cực đến Lưỡng Nghi đến Tứ Tượng đến Bát Quái, sinh ra 64 quẻ, 384 hào.
Bàn thờ tổ tiên bố trí theo Bát Quái sẽ có bộ đèn lớn bày ở giữa (ngày nay nhiều nhà thay bằng điện) chính là Thái Cực (tỏa ánh sáng). hai đèn nhỏ (hoặc hai cây nến) hai bên chính là Lưỡng Nghi, mâm Ngũ Quả, trái dưa hấu và hai bình bông phân ra thành Tứ Tượng, bát hương ở giữa là Bát Quái.
Đặc biệt, bát nhang có ba chân, khi thắp hương cho tổ tiên, người ta cũng thắp ba nén nhang, đó chính là tuân theo thuyết Tam Tài trong phong thủy. Bởi vì sự kết hợp của ba nhân tố bao giờ cũng tạo nên sự vững chắc nhất.
Ngoài ra, tiến sĩ Trần Long cũng gợi ý ngày Tết nên bật nhiều đèn sáng để tăng cường yếu tố Dương. Trong nhà điểm nào cần nhấn mạnh thì bật sáng hơn, không có góc nào tối hẳn. Ngôi nhà ngày Tết nếu tối quá sẽ khiến người ta có cảm giác một năm mới buồn tẻ, tiêu cực.
Ngày Tết nên chi tiêu xông xênh một chút bởi xét theo thuyết Âm Dương, cất tiền là âm, chi tiền là dương. Ngày Tết cứ rộng rãi một chút thì sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm, đồng tiền mới có điều kiện sinh sôi nảy nở.
Trang phục ngày Tết nên chú ý mặc những màu dương như xanh, đỏ, vàng cam, hồng… hạn chế những màu sắc có tính âm như đen trắng, nâu, xám.
Ngày Tết nên bỏ bớt những đồ cũ, hạn chế dùng đồ cũ, vì đồ cũ có tính âm. Nếu sử dụng cần làm mới lại món đồ, ví dụ đánh bóng lư đồng, để tăng tính dương.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!