Những người không nên mổ mắt chữa cận thị

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Đó là người bị bất thường giác mạc; cấu trúc mắt bất thường, bị bệnh glôcôm, viêm mống mắt, đục thủy tinh thể, bong võng mạc...

Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến rất thường gặp ở xã hội ngày nay, đặc biệt hay gặp ở lứa tuổi học sinh. Do sự bất thường của khúc xạ, hình ảnh của vật không được hội tụ nằm trên võng mạc mà bị hội tụ nằm trước võng mạc dẫn đến nhìn mờ. Theo một số báo cáo thống kê, tỷ lệ cận thị học đường chiếm vào khoảng 30-40% số học sinh.

Nguyên nhân

Cận thị có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Nếu cận thị bẩm sinh do yếu tố di truyền thì cha mẹ cũng bị cận thị và truyền yếu tố này cho con. Thường cận thị bẩm sinh là nặng, tiến triển nhanh khi tuổi trưởng thành, có thể trên 20 đi-ốp và có thể gây ra các biến chứng như xuất huyết hoàng điểm, thoái hóa võng mạc, bong võng mạc...

Còn bệnh cận thị mắc phải thường gặp ở lứa tuổi học sinh, do thói quen sử dụng mắt không đúng cách (nhìn gần, thiếu ánh sáng, mắt không được nghỉ ngơi), thường mức độ nhẹ (thường dưới 6 đi-ốp) và ổn định, ít bị biến chứng.

Những người không nên mổ mắt chữa cận thị

Ảnh minh họa

Loạn thị là một bệnh ở mắt được đặc trưng bởi sự thay đổi độ cong của mắt, dẫn tới gây mờ mắt. Cũng giống như cận thị, loạn thị có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải, có thể kết hợp với cận thị hoặc viễn thị. Kèm theo nhìn mờ, nhìn méo các đồ vật, loạn thị có thể kèm theo mỏi mắt, nhức đầu.

Điều trị

Việc điều trị cận thị, loạn thị cần phụ thuộc vào tình trạng thực tế của người bệnh. Hiện nay, với cận thị, loạn thị thì ngoài biện pháp vật lý trị liệu, đeo kính, còn có các biện pháp phẫu thuật như: phẫu thuật LASIK, Photorefractive keratectomy (PRK), laser hỗ trợ subepithelial keratomileusis (LASEK), kỹ thuật mổ Phakic IOL...

Mỗi phương pháp có ưu điểm, nhược điểm riêng và với bất kỳ phương pháp nào đều có những biến chứng nhất định.

Với kỹ thuật mổ Phakic IOL, đây là kỹ thuật mổ hiện đại mới được áp dụng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Đối tượng được chỉ định là người trên 18 tuổi, bị cận từ -3 đến -23,5 độ hoặc viễn từ +1 đến +12; không có chỉ định phẫu thuật LASIK, khó khăn trong việc sử dụng các biện pháp khác.

Phẫu thuật nhìn chung an toàn và diễn ra chỉ trong vòng 20 phút. Tuy vậy, một số trường hợp không thể áp dụng được kỹ thuật này gồm: người bị bất thường giác mạc; cấu trúc mắt bất thường (mống mắt, đồng tử, dịch kính...); bị bệnh glôcôm; viêm mống mắt, viêm màng bồ đào tái phát, đục thủy tinh thể, bong võng mạc...

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!