Những nhà khoa học nữ miệt mài đưa y học nước nhà lên tầm cao mới

Thời sự - 03/29/2024

Theo đánh giá của Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, với các kết quả đã đạt được, các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vaccine cúm mùa và vaccine cho đại dịch cúm.

Những nhà khoa học nữ miệt mài đưa y học nước nhà lên tầm cao mới

Cán bộ y tế Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Dương Ngọc

'Vỡ òa' khi phân lập thành công virus corona chủng mới

Mới đây, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có thông báo kết quả xét Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019. Theo đó, chủ nhân của Giải thưởng Kovalevskaia sẽ được trao vào tháng 5 tới là tập thể nhà khoa học nữ Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Virus (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương) - nơi đã phân lập thành công virus SARS, virus corona chủng mới (SARS - CoV-2).

Theo đó, từ những ngày đầu tiên khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra bắt đầu lan đi rộng rãi từ Trung Quốc đại lục, các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã bắt đầu lao vào nghiên cứu. Đơn vị nghiên cứu do PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng làm tổng chỉ huy. Theo PGS.TS Quỳnh Mai, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có công bố chính thức về bệnh, bà và các cộng sự biết được SARS-CoV chính là virus cách đây 16 - 17 năm mà Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phân lập và hiện vẫn lưu trữ nó phục vụ công tác nghiên cứu.

'Lúc này chúng tôi đã vào phòng An toàn sinh học cấp 3 để lấy những con virus ấy ra và tạo ra những mẫu chứng dương ban đầu, chia sẻ cho các đồng nghiệp ở Viện Pasteur TP.HCM để họ có điều kiện làm xét nghiệm chẩn đoán và xác định được kết quả đáng tin cậy', PGS.TS Quỳnh Mai cho biết.

Ngày 7/2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chính thức công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus này. Kì tích này đã giúp Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia phân lập thành công virus corona chủng mới. Chia sẻ với báo chí về quá trình nuôi cấy và phân lập virus này, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, với các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực virus học, đích cuối cùng là phải có con virus, phải 'bắt' được nó.

Nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu là phải giải mã được con virus gây bệnh COVID-19 là SARS-CoV-2 để có đầy đủ thông tin về nó. Từ đó mới so sánh xem giữa chủng ở Trung Quốc với chủng virus phát hiện ở Việt Nam có bị biến đổi gì không. Theo quy luật, virus sau nhiều lần nhân bản sẽ khác đi một chút nên các bệnh từ virus mới rất khó đoán.

Có 9 mẫu bệnh phẩm dương tính được lựa chọn để làm xét nghiệm. Trong số này, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và cảm quan, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 2 bệnh phẩm để nuôi cấy trên hai mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của Trường Đại học Nagasaki (Nhật Bản). Kết quả, sau 72 giờ nghiên cứu, phân lập, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài con virus corona trong phòng thí nghiệm. May mắn trong 2 mẫu tế bào nuôi virus đã có một mẫu tế bào nhân lên 'rất đẹp'.

Theo PGS.TS Quỳnh Mai, dưới kính hiển vi, con virus này có kích thước khoảng 100 nanomet với hình dạng như vương miện hoặc giống như vành nhật hoa đã được mô tả trong y văn, khi đó cả nhóm nghiên cứu bất ngờ, vỡ òa sung sướng vì không nghĩ kết quả có thể đến nhanh như vậy.

Luôn chuẩn bị tâm thế 'trực chiến'

Trong câu chuyện kể về hành trình 'bắt' chủng SARS-CoV-2, Phòng Thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 là địa điểm được nhóm nghiên cứu nhắc đến rất nhiều. Đây cũng được coi là 'căn phòng đặc biệt' vì chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, hậu quả sẽ rất khó lường.

Theo PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phòng Thí nghiệmaAn toàn sinh học cấp 3 là căn phòng đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thực hiện xét nghiệm. Khi vào căn phòng này, các kỹ thuật viên được bảo hộ tối đa cùng các trang thiết bị đủ điều kiện để có thể ngăn ngừa phơi nhiễm không mong muốn hoặc kiểm soát thất thoát tác nhân gây bệnh và độc tố. Hơn nữa, quá trình xét nghiệm cần rất nhiều bước, đòi hỏi các nhân viên phòng xét nghiệm phải tỉnh táo, có độ chính xác cao nhất.

Là người cùng trực tiếp tham gia nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Virus tâm sự: 'Chúng tôi xác định chọn nghề này là chuẩn bị tâm thế sẵn sàng 'trực chiến' nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi cảm giác bị 'đuối'. Về tinh thần nghiên cứu thì chắc chắn chưa bao giờ 'nguội' nhưng về sức lực thì có hạn... Đứng trước bất kỳ dịch bệnh nào, tất cả chúng tôi đều phải căng mình ra, thậm chí 'đói' nhân lực đến nỗi không thể phân chia từng nhóm làm theo ca, tất cả phải cùng chung sức đương đầu'.

'Khi bước vào khu vực An toàn sinh học cấp 3, chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân, đeo thêm một lớp kính bảo hộ, thậm chí phải đeo 2 lớp găng tay và dùng khẩu trang N95. Chúng tôi thường chỉ có thể kéo dài thời gian làm việc trong phòng khoảng 4 giờ vì đeo khẩu trang N95 rất khó thở. Hơn nữa, đây là công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, tỉ mỉ nên chúng tôi không thể làm việc quá lâu trong đó, sẽ không bảo đảm sức khỏe…', ThS Ứng Thị Hồng Trang, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Nỗ lực đưa Y học Việt Nam lên tầm cao mới

Theo các chuyên gia, việc 'tóm' được virus để nuôi cấy và phân lập thành công giúp Việt Nam bước đầu khống chế được dịch, từ đó tạo điều kiện giúp có thể xét nghiệm nhanh người nhiễm và người nghi nhiễm COVID-19, hay xa hơn là chế tạo ra vaccine ngăn ngừa căn bệnh hay đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, sau khi nhóm nghiên cứu phân lập thành công virus SARS-CoV-2, nước ta đã có đủ điều kiện để xét nghiệm hàng ngàn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày đối với những người đi về từ vùng dịch, bị cách ly bắt buộc hoặc những người có tiếp xúc gần với những người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19.

Ghi nhận kết quả của nhóm nghiên cứu, ngày 12/2 vừa qua, Bộ Y tế đã trao Bằng khen cho một tập thể và 6 cá nhân của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vì đã nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2, góp phần to lớn vào việc khống chế dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam.

Theo đánh giá của Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, với các kết quả đã đạt được, các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vaccine cúm mùa và vaccine cho đại dịch cúm.

Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học lỗi lạc người Nga Sophia Kovalevskaia (1850-1891) được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ Việt Nam có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống. Giải sẽ dành cho một tập thể và một cá nhân.

Nữ nhà giáo đam mê nghiên cứu, tạo giống cây trồng

Bên cạnh Giải tập thể dành cho các nhà khoa học nữ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 cá nhân thuộc về PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp (Trường ĐH Nông lâm, Đại học Thái Nguyên). Là nhà giáo, nhà khoa học có thâm niên nghiên cứu về chọn giống, nhân giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu, đến nay PGS.TS Trần Thị Thu Hà là tác giả chính của 12 bằng bảo hộ giống cây dược liệu; nhiều quy trình nhân giống cây dược liệu đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Các nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Thu Hà bao gồm: Nghiên cứu chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp, nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu; ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào nghiên cứu lai tạo, nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý bản địa…

PGS.TS Trần Thị Thu Hà là tấm gương về nghiên cứu khoa học cho các cán bộ, giảng viên trẻ noi theo. Bên cạnh công tác giảng dạy, bà dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh các dòng keo lai và bạch đàn lai. Đồng thời, bà cũng nghiên cứu, nhân giống và trồng thành công các loài cây dược liệu quý của Việt Nam có giá trị kinh tế cao, có nguy cơ bị tuyệt chủng, như: Lan kim tuyến, gừng gió, giảo cổ lam, đinh lăng, khôi tía, tam thất, trà hoa vàng, sa nhân tím…

Đây là lĩnh vực nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các loài dược liệu quý của nước ta. Với những đóng góp trong phát triển cây lâm nghiệp, cây dược liệu, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã được nhiều bộ, ngành, địa phương ghi nhận và trao tặng bằng khen.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!