Những rối loạn trầm cảm thường gặp

Cần biết - 05/04/2024

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp.

Có nhiều nguyên nhân gây trầm cảm: Do tress, do bệnh, do những thất bại trong cuộc sống hay mất mát người thân... Điều quan trọng là, người thân cần nhận biết dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dấu hiệu nhận biết

Trầm cảm là hiện tượng ức chế của các quá trình hoạt động tâm thần với bệnh cảnh lâm sàng gồm các triệu chứng thường gặp như: Nét mặt buồn rầu, ủ rũ, mau mệt mỏi, không muốn làm việc, mất hoặc giảm mọi quan tâm thích thú ngay cả những đam mê thích thú cũ, giảm tập trung chú ý, mất hoặc giảm tự tin, tự đánh giá thấp mình. Quá trình suy nghĩ chậm chạp, ý tưởng nghèo nàn, tự cho mình có tội, bi quan về tương lai. Một số trường hợp trầm cảm nặng, bệnh nhân có thể có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát. Trong trầm cảm thường có các triệu chứng của cơ thể như mất ngủ (thường là mất ngủ cuối giấc, thức dậy sớm), hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh, đau mỏi xương cơ khớp, sút cân, giảm hoạt động tình dục. Bệnh nhân thường có hội chứng lo âu và những cảm giác căng thẳng, bất an, sợ hãi...

Do tính phổ biến và mức độ nghiêm trọng các rối loạn trầm cảm nó đã trở thành một vấn đề lớn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng một vấn đề thời sự đang được quan tâm nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là hình thái lâm sàng, chẩn đoán, điều trị và nguy cơ tái phát.

Những rối loạn trầm cảm thường gặp

Đối tượng bị trầm cảm ngày càng trẻ hóa.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh?

Có nhiều nguyên nhân gây ra trầm cảm, có thể tập trung vào 4 nhóm nguyên nhân chính sau đây:

Do sang chấn tâm lý: Đây là nguyên nhân thường gặp gây trầm cảm. Sang chấn tâm lý hay còn gọi là stress có thể đến từ bên ngoài cơ thể như những mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè, công việc... hoặc stress cũng có thể đến từ bên trong cơ thể như bị các bệnh nặng, nan y...

Do bệnh thực thể ở não:Như chấn thương sọ não, viêm não, u não... những rối loạn và tổn thương cấu trúc não này làm giảm ngưỡng chịu đựng stress của cơ thể, chỉ cần một stress nhỏ cũng có thể gây ra các rối loạn cảm xúc, đặc biệt là trầm cảm.

Do sử dụng các chất gây nghiện hoặc các chất tác động tâm thần:Như heroin, amphetamin (thuốc lắc), rượu, thuốc lá...

Nguyên nhân nội sinh:Do rối loạn hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, noradrenalin... thường là dẫn đến trầm cảm nặng, có thể có ý tưởng và hành vi tự sát, kèm theo các rối loạn loạn thần như hoang tưởng bị tội, ảo thanh sai khiến tự sát... Loại trầm cảm này điều trị rất khó khăn và thường dễ tái phát.

Những nguy hiểm do trầm cảm gây ra

Người bệnh trầm cảm thường xuyên mất ngủ khiến cho sức khỏe giảm sút, tinh thần trí tuệ kém minh mẫn, ảnh hưởng đến công việc và đời sống hằng ngày. Người bệnh có thể gặp phải rối loạn về thèm ăn, lâu dài khiến cho suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Nó làm cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, quan hệ xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới công danh, sự nghiệp, thậm chí gây ra rạn nứt tình cảm gia đình. Trầm cảm khiến bệnh nhân luôn bị cảm giác bi quan, suy nghĩ thiếu tích cực, mất cảm hứng với các hoạt động cơ bản bao gồm cả công việc tại cơ quan hay công việc gia đình.

Ngoài ra, trầm cảm là yếu tố khiến cho các bệnh lý khác trở nên trầm trọng, phức tạp, khó điều trị hơn như tim mạch, dạ dày, tuyến giáp...

Trầm cảm trong diễn biến xấu nhất có thể là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc tự sát, hoặc giết người. Tình trạng này phải được coi như tình trạng cấp cứu trong tâm thần. Vì vậy phải theo dõi sát những người có dấu hiệu trầm cảm để phát hiện sớm nguy cơ tự tử ở người bệnh, điều trị ngăn chặn kịp thời tránh hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến bệnh nhân và những người xung quanh.

Một số thể trầm cảm thường gặp

Trầm cảm sau sinh:Là một dạng của bệnh trầm cảm ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ sau khi đứa con sinh ra và gặp rất nhiều. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ, đặc biệt là sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ.

Một số người có khả năng mắc bệnh này cao hơn người khác điều đó có thể được dự đoán chính xác thông qua một số đặc điểm ở người mẹ giúp phòng tránh từ xa, theo các nghiên cứu thì những yếu tố sau sẽ làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh ở phụ nữ: Bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai; Từng bị trầm cảm sau sinh trước kia; Khó khăn kinh tế, nghề nghiệp không ổn định; Sinh con so (con đầu lòng) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn sinh con rạ; Đứa trẻ không có bố chính thức; Sinh con trong tình trạng ly dị hoặc ly thân; Sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy; Đẻ khó, đẻ mổ; Sinh con ở độ tuổi vị thành niên; Không có người hỗ trợ chăm sóc.

Trầm cảm học đường: Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ở lứa tuổi học sinh có những biến đổi về tâm sinh lý, cộng thêm thay đổi về hormon trong giai đoạn dậy thì cũng ảnh hưởng tới tinh thần và hành vi của các em. Trẻ bị trầm cảm sẽ có những rối loạn về cảm xúc, dễ bị tổn thương, không tự điều chỉnh được hành vi, dễ bê trễ học hành...

Những thói quen xấu trong cuộc sống như thức khuya, dậy quá trễ, không luyện tập thể dục, nghiện game... sẽ làm trẻ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, ở mức độ cao dễ dẫn tới bệnh lý trầm cảm. Những năm trước đây, bệnh lý về trầm cảm học đường cũng đã có, nhưng có thể do chúng ta chưa quan tâm, nên chưa phát hiện ra nhiều.

Trầm cảm ở người lớn tuổi:Các triệu chứng của bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi có thể như sau: Giảm trí nhớ hoặc thay đổi nhân cách; Đau nhức toàn thân; Mệt mỏi, mất ăn, khó ngủ; Thường muốn ở nhà hơn là đi ra ngoài, ngại giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động đoàn thể; Tự tử hoặc suy nghĩ muốn tự tử, đặc biệt ở những người đàn ông lớn tuổi; Ở người cao tuổi, trầm cảm thường gặp sau khi bạn đời chết, cô đơn; Xung đột nặng nề trong gia đình mà không giải quyết được; Vật chất quá khó khăn, thay đổi nơi ở, bị cách li; Do lạm dụng nghiện bia rượu; Do tác dụng phụ của các thuốc điều trị nhiều bệnh nội khoa khác (thuốc điều trị bệnh tim mạch, tăng huyết áp)...

Để cải thiện chứng trầm cảm, người cao tuổi cần được giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng bị cách ly hoặc cô đơn. Để làm được điều này, nên tổ chức những cuộc dã ngoại, hướng người cao tuổi tự rèn luyện sức khỏe hoặc thường xuyên đưa họ đi thăm hỏi bạn bè, người thân, giao tiếp với nhiều người.

Những phản ứng chỉ stress nhất thời (dưới một tuần, còn gọi là phản ứng cấp) thì không phải điều trị bằng thuốc mà có thể điều trị bằng tâm lý. Nhưng nếu sự trầm cảm kéo dài từ 2 tuần trở lên thì người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc và tâm lý.

Khi phát hiện những triệu chứng trầm cảm thì bệnh nhân và đặc biệt gia đình bệnh nhân cần đưa đến chuyên khoa thần kinh, tâm thần để khám chẩn đoán và đánh giá mức độ bệnh điều trị kịp thời tránh bệnh kéo dài dai dẳng.

Trích dẫn: Trầm cảm không phát sinh từ tâm lý đơn thuần, mà do một nhóm các vấn đề kết hợp và tác động tới từng cá nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan do áp lực cuộc sống cũng như những đòi hỏi về sự sinh tồn ngày càng lớn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!