Phải chăng trong quá trình chăm sóc bé mẹ đã mắc sai lầm nào đó?
Nước hầm xương là nhất
Nhiều bà mẹ ngày nào cũng chăm chỉ ninh/hầm xương, thịt để lấy nước nấu cháo cho con. Các mẹ này quan niệm cho rằng các chất bổ từ xương sẽ tan trong nước và bé có thể hấp thu đầy đủ các chất này khi ăn cháo. Mặc dù hầm xương cho con ăn đều đặn như vậy nhưng bé yêu vẫn cứ còm nhom, thiếu dinh dưỡng.
Thực tế, việc hầm xương chỉ có tác dụng giúp nước dùng có vị ngọt và mùi thơm ngon còn các chất đạm vẫn nằm lại ở xác thịt, xương. Do vậy, ngay từ nhỏ mẹ cần hướng dẫn để trẻ ăn cả nước hầm và gỡ nhỏ thịt đã ninh cho trẻ ăn.
Nước hầm xương chưa đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ (Ảnh minh họa: Internet)
Lạm dụng chế biến xay, nghiền
Các bà mẹ thường xay nhỏ thức ăn của trẻ để bé dễ tiêu hóa dù bé đã qua thời kỳ sơ sinh, bé đã mọc răng hoặc có khả năng nhai thức ăn rắn. Hiện tượng này thường được gọi với cái tên 'Hội chứng máy xay sinh tố'.
Việc lạm dụng xay nhỏ thức ăn sẽ tước đi khả năng trẻ học nhai và tự mình thưởng thức món ăn một cách trọn vẹn, lâu dần sinh chứng biếng ăn.
Cháo dinh dưỡng tiện mà hại
Nhiều gia đình do bận rộn nên lựa chọn việc mua cháo dinh dưỡng ngoài hàng quán. Ngoài ra, cũng có một số phụ huynh 'nghiện' món cháo ăn nhanh chứ không phải vì họ không có thời gian nấu cho con.
Với lý do cho rằng cháo dinh dưỡng tiện lợi cho bố mẹ và trẻ vì giá thành hợp lý, không mất công nấu và trẻ được thay đổi món phong phú nên càng ngày nhiều ông bố bà mẹ lựa chọn cháo dinh dưỡng theo suất để thay đổi thực đơn cho con.
Cháo dinh dưỡng không tốt như lời quảng cáo (Ảnh minh họa: Internet)
Thực tế, nhiều trẻ ăn cháo dinh dưỡng mua tại hàng quán không tăng cân do cháo loãng không đủ chất. Một số bé xuất hiện triệu chứng nôn, tiêu chảy do cháo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bạn nên hạn chế việc cho con ăn cháo tại hàng quán. Nếu buộc phải dùng, lựa chọn các cơ sở chế biến uy tín, có trang thiết bị bảo quản đảm bảo. Trước khi cho bé ăn có thể bổ sung thêm dưỡng chất như dầu ăn và đun nóng lại cháo. Không mua tích trữ quá nhiều và sử dụng lại cháo đun đi đun lại.
Nghiện khoai tây, cà rốt
Một số bà mẹ quan niệm khoai tây, cà rốt là những loại củ dễ chế biến, là thức ăn củ quả nên an toàn và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Họ liên tục thay đổi thực đơn với các món ăn được chế biến từ hai loại củ này.
Tuy nhiên, khoai tây và cà rốt chỉ đại diện cho nhóm bột đường chứ không phải là rau xanh. Chính vì vậy, trẻ có nguy cơ rơi vào tình trạng thừa bột đường nhưng thiếu vitamin.
Pha sữa bằng nhiều loại nước
Nhiều gia đình vì muốn kết hợp và bổ sung dinh dưỡng tối đa cho con em nên đã dùng nước khoáng, nước cam, nước rau… để pha sữa cho con. Việc làm này vô tình dẫn tới hiện tượng ' thừa quá hóa hại'. Vì khi sản xuất các loại sữa công thức, nhà sản xuất đã tính toán hợp lý các thành phần dinh dưỡng trong một cốc sữa trẻ uống. Khi bạn dùng nước khoáng tinh khiết để pha sữa cho bé, sẽ khiến hàm lượng chất khoáng trở nên dư thừa. Vì vậy, chỉ nên dùng nước đun sôi để pha sữa cho trẻ.
>> Xem thêm:
6 sai lầm trong bữa ăn của mẹ khiến con chậm lớn
Điều trị hen ảnh hưởng chiều cao của trẻ
Rụng tóc ở trẻ nhỏ do còi xương?
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!