Mang thai là một giai đoạn rất đặc biệt của cuộc đời mỗi người phụ nữ. Khi biết tin có thai, chắc chắn người mẹ nào cũng sẽ dồn hết tâm sức để chăm chút cho em bé đang hình thành trong bụng, đồng thời chứng kiến từng biến chuyển của cơ thể mỗi ngày.
Mặc dù đang rất hào hứng và mong chờ em bé ra đời, nhưng trước khi giây phút đó đến, mẹ bầu sẽ phải đối mặt với một số thay đổi cả bên trong và bên ngoài cơ thể mỗi ngày.
Để giúp mẹ bầu có kiến thức rõ ràng và chủ động hơn trong suốt thai kì, tiến sĩ, bác sĩ Pamela Tan tại Trung tâm y tế Thomson (Singapore) đã nêu ra 9 sự thay đổi kì diệu sẽ dần xuất hiện trên cơ thể người mẹ như sau.
1. Tử cung bắt đầu phình to ra
Đây là một thay đổi hoàn toàn bình thường mà hầu hết phụ nữ mang thai phải trải qua. Nồng độ hormone progesterone tăng cao làm cho cấu trúc một số cơ quan nội tạng bên trong to hơn bình thường.
Tiến sĩ Tan cho hay tử cung phát triển to dần từ kích thước như một quả lê nhỏ cho đến khi to hơn gấp 5 lần khi tới ngày sinh. Trung bình trọng lượng tử cung tăng từ 50g cho đến 1kg, chiều cao tăng từ 7,5cm đến 30cm, chiều rộng từ 5cm đến 23cm và độ sâu từ 2,5cm đến 20 cm.
2. Tóc, móng thay đổi
Khi có thai, nhiều mẹ bầu nhận thấy tóc trở nên dày và bóng mượt hơn. Tóc cũng ít bị rụng hơn, mọc dài nhanh hơn. Bác sĩ Tan giải thích rằng do lượng estrogen trong cơ thể mẹ tăng làm cho tóc mọc nhanh và ít rụng.
Đi kèm với đó là sự gia tăng hormone androgen khiến cho lông ở các bộ phận khác trên cơ thể mẹ cũng mọc dài và đậm màu hơn. Một số mẹ bầu có móng tay cứng và mọc dài nhanh hơn, nhưng cũng có trường hợp móng tay trở nên giòn hơn do mọc quá nhanh.
Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng, bác sĩ khẳng định hiện tượng này không kéo dài mãi mãi mà sẽ quay trở lại bình thường sau khi sinh.
3. Đi tiểu thường xuyên hơn
Đi tiểu thường xuyên, đi tiểu khó là nỗi trăn trở của hầu hết các mẹ bầu. Đi tiểu nhiều không chỉ khiến mẹ bầu cảm thấy bất tiện mà còn gây tâm ký ngại ngùng, xấu hổ và đặc biệt là mệt mỏi khi phải đi tiểu vào ban đêm.
Chuyên gia giải thích vì tử cung phình to, mở rộng dần dần nên sẽ ép vào bàng quang của người mẹ khiến cho mẹ có cảm giác buồn đi tiểu nhiều hơn, đặc biệt là trong những tháng đầu và cuối của thai kỳ.
4. Đau nhức xương khớp
Khi dạ con dãn ra, nhiều mẹ bầu bắt đầu phải chịu các cơn đau ở bắp đùi, xương chậu, bụng, lưng. Lượng progesterone tăng không chỉ làm cho tử cung phình to hơn mà nó còn làm cho các khớp và dây chằng trong cơ thể người mẹ trở nên lỏng lẻo hơn.
Từ tuần thứ 35-36, một loại hoóc môn khác có tên là relaxin được tiết ra để chuẩn bị cho cơn chuyển dạ càng khiến cho dây chằng và gân bị giãn ra khiến mẹ bị đau nhức nhiều hơn. Cho nên mỗi khi thay đổi tư thế hay khi đi bộ mẹ hãy nhớ cẩn thận hơn vì có thể có nguy cơ cao hơn bị bong gân, chuột rút.
5. Bầu ngực trở nên lớn hơn
Khi mang thai, mẹ sẽ cảm thấy ngực đầy đặn hơn, quầng vú mở rộng và cũng sẫm màu hơn. Ngoài ra, tuyến sữa và đường dẫn sữa phát triển, núm vú nhô ra nhiều hơn để chuẩn bị cho em bé bú sữa mẹ.
Tốc độ lưu thông máu tăng làm cho các mạch máu trên bầu ngực nhìn thấy rõ hơn, đó là lí do vì sao mẹ thấy những đường mạch xanh trên ngực của mình.
6. Lưu lượng máu tăng lên
Bác sĩ Tan cho biết tổng lưu lượng máu tăng thêm từ 30-50% tương ứng 1,5 lít máu trong suốt thai kì do nhu cầu tăng lưu lượng máu đến nhau thai để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng nuôi em bé.
Ngoài ra, nếu mẹ thấy tim mình đập nhanh hơn bình thường thì cũng đừng quá lo lắng hay ngạc nhiên bởi theo bác sĩ Tan giải thích, phụ nữ mang thai có nhịp tim nhanh hơn khoảng 15 nhịp mỗi phút so với người bình thường.
Do những thay đổi trong cách hoạt động của tim nên lượng máu bơm ra từ tim mỗi phút cũng tăng gấp 3 lần – tức là từ 2,5 lít lên 7 lít mỗi phút.
7. Đổ mồ hôi nhiều
Theo các chuyên gia, khi có thai, lượng không khí di chuyển ra-vào phổi tăng gần 50% do mỗi nhịp thở chứa lượng không khí lớn hơn và tốc độ thở tăng lên.
Chu vi lồng ngực cũng tăng theo, cơ hoành dịch chuyển lên trên do tử cung mở rộng, phình to và đẩy lên nên khiến cho mẹ bầu có cảm giác khó thở. Bên cạnh hô hấp tăng cao, mẹ bầu cũng có thể thấy nóng hơn, bắt đầu đổ mồ hôi nhiều hơn do tăng nồng độ hormone và lưu lượng máu đến da.
8. Chứng đãng trí xuất hiện
Nhiều bà mẹ cùng ghi nhận chứng đãng trí khi mang thai, người thì hay nhầm lẫn các món đồ với nhau, người thì hay quên những việc cần phải làm. Mang thai làm thay đổi sinh lý vì nội tiết tố được tiết thêm ra, mặc dù vậy cũng rất khó để xác định điều này gây ảnh hưởng đến trí nhớ như thế nào.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mang thai có thể làm thay đổi cấu trúc não của người phụ nữ. Các nhà khoa học tiến hành quét MRI trên não của 25 phụ nữ, kết quả cho thấy họ đã mất một số chất xám trong khi mang thai.
Mặc dù không có kết luận chắc chắn nào được đưa ra nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thay đổi cấu trúc não và hiện tượng mất trí nhớ ở phụ nữ mang thai có liên quan với nhau.
9. Da dẻ mịn màng, sáng bóng hơn
Chuyên gia bác sĩ Tan cho hay việc cải thiện lưu thông máu có nghĩa là máu chảy qua các mạch nhiều hơn vì thế da giữ được nhiều độ ẩm hơn, khiến cho làn da của nhiều mẹ bầu mịn màng và sáng hơn.
Một lý do khác là do người mẹ toát mồ hôi nhiều hơn vì trọng lượng và lượng máu tăng lên khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, trong khí mồ hôi có chức năng loại bỏ các tạp chất trong lỗ chân lông và làm cho da sáng hơn và rạng rỡ hơn.
Bà cho biết thêm rằng sự gia tăng của các hoocmon như progesterone và Human Chorionic Gonadotropin (HCG) giúp các tuyến bã nhờn ở da mặt tiết ra dầu nên da dẻ sáng bóng và đàn hồi tốt hơn. Mặt khác, dầu thừa cũng có thể gây ra mụn trứng cá và làm tăng sắc tố da.
Nguồn: Parent
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!