Ngoài viêm khớp, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh đường hô hấp và Alzheimer thì người cao tuổi còn có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe khác.
Cơ thể chúng ta giống như một cỗ máy. Khi còn mới, máy sẽ hoạt động trơn tru, ít khi hỏng hóc. Nhưng qua thời gian, các bộ phận bên trong đã cũ, máy sẽ bắt đầu gặp trục trặc và hư hỏng. Khi chúng ta già đi, các bộ phận trên cơ thể lão hóa, dẫn đến nhiều căn bệnh tuổi già. Sau những căn bệnh thường gặp ở người già bạn đã tìm hiểu ở phần 1, hãy cùng tìm hiểu những nguy cơ sức khỏe mà người thân lớn tuổi của bạn có thể mắc phải.
Loãng xương
Khả năng hấp thụ can-xi kém và quá trình trao đổi chất trong xương kém đi khi cơ thể lão hóa khiến người già mắc bệnh loãng xương. Trong cơ thể chúng ta, cấu trúc của xương được đổi mới liên tục, tế bào xương xương cũ mất đi và tế bào xương mới được tạo ra để thay thế. Do vậy, khi tế bào xương mới không được tạo ra đủ để bù đắp sẽ dẫn đến tình trạng loãng xương.
Việc phòng loãng xương ở người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân cần tăng cường vận động để giảm loãng xương vì ít hay không hoạt động sẽ làm cho bệnh loãng xương càng nặng hơn. Ngoài ra, người bệnh nên vận động cột sống với mức độ nhẹ và hạn chế tuyệt đối hoạt động mạnh để tránh gãy xương. Thực hiện chế độ ăn đủ chất và đủ can-xi (trong khẩu phần ăn cần có khoảng 100g thịt hay cá mỗi ngày) cũng rất cần thiết đối với người cao tuổi.
Tiểu đường
Các nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở người cao tuổi bao gồm những thay đổi về chuyển hóa glucose, rối loạn tiết insulin và kháng insulin tăng lên theo tuổi tác. Ngoài ra, nguy cơ mắc tiểu đường còn đến từ việc người cao tuổi phải dùng nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến đường máu, đồng thời lối sống ít hoạt động khiến họ mắc bệnh béo phì hoặc thừa cân.
Nếu mắc bệnh này, bạn cần áp dụng các phương pháp điều trị tích cực như ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, tập luyện đều đặn… Bạn cũng đừng quên chú ý tới các biến chứng của bệnh như đường huyết và huyết áp tăng hoặc thấp đột ngột, là những bệnh có thể gây hôn mê hoặc thậm chí tử vong cho người bệnh.
Bệnh cúm và viêm phổi
Cảm cúm là một bệnh phổ biến và thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở người cao tuổi. Khi hệ thống miễn dịch suy giảm, vi khuẩn và virus dễ tấn công vào cơ thể nên người già rất dễ mắc bệnh cảm cúm, cảm lạnh khi thời tiết thay đổi.
Béo phì
Đối với người cao tuổi, béo phì là căn bệnh nguy hiểm góp phần gây ra nhiều chứng bệnh khác như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… Ngoài ra, béo phì còn là “bạn đồng hành” của bệnh cao huyết áp.
Do đó, người bệnh cần luyện tập thể thao đều đặn, vừa sức. Đi bộ và tập dưỡng sinh là những bài tập phù hợp với người lớn tuổi, giúp cho cơ thể đốt cháy một lượng calo nhất định và rèn luyện các cơ bắp không bị xuống cấp, đồng thời nâng cao chất lượng sức khỏe.
Trầm cảm
Ảnh hưởng của bệnh lý trầm cảm lên người cao tuổi rất đáng kể, đặc biệt là làm gia tăng nguy cơ tự sát. Bệnh trầm cảm còn làm giảm các chức năng cơ thể, khiến nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao, đồng thời cũng là yếu tố gây ra các bệnh tim mạch. Quá trình điều trị bệnh bao gồm việc dùng thuốc và trị liệu tâm lý. Bạn cần lưu ý là do đặc điểm sức khỏe của người già khác so với những người trẻ tuổi nên việc sử dụng thuốc cần tuyệt đối thận trọng và phải được theo dõi sát sao.
Người cao tuổi có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh do cơ thể lão hóa. Thấu hiểu và tự trang bị kiến thức về những căn bệnh tuổi già là cách tốt nhất bạn có thể làm để giúp những người thân lớn tuổi của mình.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Ngăn ngừa bệnh lãng tai ở người cao tuổi
- Chứng cao huyết áp ở người cao tuổi
- Nên làm gì với chứng trầm cảm ở người cao tuổi?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!