Những vấn đề về mắt mà bạn không nên xem thường (P3)

Sơ cứu & Phòng ngừa - 05/03/2024

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Tuy nhiên thật không may mắn khi chúng ta đều có nguy cơ mắc phải các vấn đề về mắt.

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Thật không may mắn khi chúng ta đều có nguy cơ mắc phải các vấn đề về mắt.

Bên cạnh chứng nhược thị, lão thị, khô mắt, chảy nước mắt bất thường thì chúng ta còn có nguy cơ gặp phải các vấn đề về mắt nào?

Glaucoma (tăng nhãn áp/cườm nước)

Tăng nhãn áp (cườm nước) là một căn bệnh phức tạp có thể tổn hại thần kinh thị giác dẫn đến mất thị lực tiến triển, không phục hồi. Bệnh cườm nước là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý nhãn khoa. Khi bạn bị cườm nước, áp lực của dịch nội nhãn tăng cao. Áp lực này ở mức vừa phải sẽ an toàn. Tuy nhiên, áp lực tăng quá cao có thể gây tổn hại thần kinh thị giác của bạn. Áp lực của dịch nội nhãn tăng cao là nguyên nhân phổ biến gây tăng nhãn áp.

Hầu hết những người mắc bệnh cườm nước không có biểu hiện triệu chứng ban đầu hay cảm giác đau đớn. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên đi khám mắt thường xuyên để phát hiện kịp thời những căn bệnh hiểm họa đến sức khỏe của mình.

Dù bệnh tăng nhãn áp không xảy ra thường xuyên, chúng có thể được gây ra bởi:

  • Chấn thương mắt;
  • Mạch máu bị tắc nghẽn;
  • Rối loạn, viêm mắt.

Có 2 phương pháp điều trị bệnh tăng nhãn áp là sử dụng thuốc nhỏ mắt theo toa hoặc phẫu thuật.

Bệnh giác mạc

Giác mạc là một mảnh mô mỏng, hình vòm và trong suốt nằm ở phía trước con ngươi của mắt. Nó có nhiệm vụ giúp bảo vệ đôi mắt của bạn cũng như góp phần vào hoạt động khúc xạ của mắt. Vì đây là bộ phận rất nhạy cảm, lại nằm ngay vị trí dễ tiếp xúc nên rất dễ mắc bệnh, nhiễm trùng, chấn thương, cũng như dễ bị tác động bởi các chất độc hại gây tổn thương cho mắt. Do vậy, bạn cần phải bảo vệ và chăm sóc giác mạc của mình kỹ lưỡng.

Dấu hiệu bệnh giác mạc bao gồm:

  • Mắt đỏ;
  • Chảy nước mắt;
  • Đau mắt;
  • Giảm thị lực, hoặc có hiệu ứng hào quang.

Các phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm:

  • Sử dụng kính mới hay kính áp tròng;
  • Dùng thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần thuốc;
  • Phẫu thuật.

Vấn đề về mí mắt

Mí mắt có vai trò rất quan trọng. Chúng giúp bảo vệ mắt, trải nước mắt trên bề mặt của nó, đồng thời giúp giới hạn cường độ ánh sáng chiếu vào mắt.

Đau, ngứa, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng là triệu chứng phổ biến của các vấn đề mí mắt. Bạn cũng có thể bị nháy mắt hoặc viêm mắt khu vực gần hoặc bên ngoài lông mi.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm vệ sinh mắt hợp lý, uống thuốc hoặc phẫu thuật.

Bệnh mù màu – rối loạn sắc thái màu

Bệnh mù màu là tình trạng người bệnh không phân biệt được sắc thái của màu sắc. Khi bạn không thể nhìn thấy một hay nhiều màu sắc nhất định hoặc không thể phân biệt sự khác biệt giữa chúng (thường là giữa màu đỏ và xanh lá cây) thì khả năng cao là bạn có thể đã bị mù màu. Bệnh mù màu xảy ra khi không có các tế bào màu sắc trong mắt của bạn (các bác sĩ gọi chúng là các tế bào hình nón) hoặc do những tế bào hình nón này không còn hoạt động khiến bạn không thể phân biệt sắc thái của các màu sắc. Bệnh mù màu trở nên nghiêm trọng nhất  khi bạn chỉ có thể phân biệt được duy nhất màu xám, nhưng điều này là rất hiếm.

Hầu hết những người bị bệnh mù màu là do tính chất bẩm sinh, tuy nhiên bạn có thể bị mù màu do hậu quả của một số loại thuốc và di chứng bệnh tật. Để biết được nguyên nhân gây mù màu bạn có thể tìm gặp bác sĩ để được tư vấn thêm. Đàn ông có nhiều khả năng bị mù màu bẩm sinh hơn phụ nữ.

Các bác sĩ nhãn khoa có thể chẩn đoán bạn có bị mù màu hay không chỉ bằng một xét nghiệm đơn giản. Thật không may là không có phương pháp điều trị bệnh mù màu bẩm sinh, tuy nhiên có một số loại kính áp tròng và kính đặc biệt có thể giúp một số người mắc bệnh mù màu phân biệt được sự khác biệt giữa những màu sắc nhất định.

Mời bạn theo dõi tiếp các phần sau để biết thêm các vấn đề về mắt khác nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 10 thực phẩm vàng cho đôi mắt sáng
  • 6 tuyệt chiêu giúp bạn bảo vệ đôi mắt sáng khỏe
  • Con bạn nên ăn gì để có đôi mắt sáng khỏe?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!