Đẩy mạnh truyền thông về vệ sinh nông thôn
Ninh Thuận hiện có 28 xã miền núi và 21 xã đặc biệt khó khăn (chiếm gần 35% số xã trong tỉnh); đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 23% dân số; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới chiếm 8,34%. Với dân số gần 591.000 người, số dân ở vùng nông thôn gần 486.030 người (chiếm 82%).
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho thấy, hiện nay, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt ước đạt 94%, trong đó tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn khoảng 71%. Nhiều vùng đồng bào dân tộc đã xây dựng được hố xí hợp vệ sinh, cách ly giữa gia súc, gia cầm, vật nuôi với con người.
Theo bà Nguyễn Nhị Linh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận, do đặc thù khí hậu, địa hình, tỉnh khu vực Nam Trung bộ này gặp những khó khăn về nguồn nước.
Với lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước, lượng dòng chảy hình thành không nhiều, vì vậy hàng năm, Ninh Thuận thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh đó, tình hình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của các hộ gia đình còn rất thấp. Tình trạng mắc các bệnh liên quan đến sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn còn ở một số xã, huyện.
Ninh Thuận là 1 trong 21 tỉnh thực hiện Chương trình Mở rộng Quy mô Vệ sinh và Nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (RB-SupRSWS) vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 – 2020.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020; đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân nông thôn nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững về nước sạch và vệ sinh nông thôn, Ninh Thuận xác định phải đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi cho người dân trong lĩnh vực này.
Đoàn viên, thanh niên, học sinh ở Ninh Thuận tham gia dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: BNT
Chương trình truyền thông cũng nhằm huy động nguồn lực tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.
Trạm y tế xã là tổ chức chủ chốt, tiên phong
Xác định xã là đơn vị hành chính cơ sở với hệ thống chính trị đồng bộ, có vai trò quyết định, do đó, theo kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh nông thôn năm 2020 của tỉnh, ngoài các hoạt động truyền thông cấp tỉnh, huyện, thôn, Ninh Thuận khẳng định cần thiết xây dựng cấp xã là cấp thực hiện cơ bản trong các Chương trình Vệ sinh nông thôn.
Trong đó trạm Y tế xã trở thành tổ chức thực hiện vệ sinh nông thôn chủ chốt, tiên phong trong việc vận động người dân xây và sử dụng nhà tiêu cải thiện và thay đổi hành vi vệ sinh một cách bền vững.
Các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về nhà tiêu cải thiện do cán bộ y tế cấp xã làm đầu mối tổ chức, điều hành với sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội như hội phụ nữ.
Theo đó, các hình thức truyền thông chủ yếu như phát tin qua loa truyền thanh - phương tiện rất cần thiết trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị tại địa phương, đồng thời là phương tiện hữu ích với những người dân để tiếp nhận thông tin.
Bên cạnh đó, tổ chức các sự kiện tại cộng đồng: 'Hội thi Vệ sinh', 'Ngày hội vệ sinh', vẽ tranh tường cổ động… Đây là một sự kiện đặc biệt bao gồm nhiều hoạt động tuyên truyền, vui chơi, giải trí có liên quan đến vấn đề vệ sinh. Sự kiện này có thể huy động sự tham gia tích cực từ phía khu vực tư nhân; các cơ sở kinh doanh có thể thông qua các hoạt động giải trí để giới thiệu các phương án nhà tiêu và các sản phẩm vệ sinh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!