Nỗi ám ảnh mang tên 'vào viện khoẻ - ra viện yếu'

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Nhiễm khuẩn bệnh viện là thách thức không chỉ ngành y tế Việt Nam mà của ngành y tế thế giới, nhất là các nước đang phát triển.

Làm thế nào để người dân không còn ám ảnh về lây chéo bệnh viện đang là điều mà Bộ Y tế hướng tới.

Sợ lây bệnh từ bệnh viện

Mỗi khi con bị bệnh chị Hoàng Thị Nguyệt trú tại Vân Hồ, Hai Bà Trưng sợ nhất là phải vào bệnh viện vì nỗi lo lây chéo. Tại bệnh viện lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch kèm theo nên mỗi lần con ốm, chị Nguyệt mời bác sĩ đến nhà hoặc cố gắng ôm con vào bệnh viện nào tốt nhất, thưa người để tránh lây bệnh thêm.

Cháu N.N. Kh 10 tuổi ở Hà Nội là nạn nhân của nhiễm khuẩn bệnh viện khi cháu bị tai nạn được đưa vào viện phẫu thuật. Sau đó cháu bị nhiễm trùng vết mổ dẫn tới nhiễm trùng huyết rất nặng, buộc phải điều trị kèm theo những bệnh vốn không phải là bệnh ban đầu của cháu.

GS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý và Khám chữa bệnh cho biết việc nhiễm khuẩn bệnh viện đi liền với quá tải bệnh viện. GS Khuê lấy ví dụ về dịch sởi năm 2014 tại bệnh viện Nhi trung ương khi các bệnh nhi vào điều trị bệnh khác ở bệnh viện đã bị lây chéo sởi. Chưa khi nào các bác sĩ và giới y tế lại đau đầu về việc lây chéo bệnh viện như thế. 'Đại dịch' lây chéo đó trở thành bài học của ngành y tế về công tác chống nhiễm khuẩn của bệnh viện.

Việc chống nhiễm khuẩn của bệnh viện dường như còn rất bỏ ngỏ, ngay cả những cái bắt tay của bác sĩ cũng tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh. Một bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm tâm sự một chai nước rửa tay của bác sĩ để đảm bảo vô trùng lên đến 2 triệu đồng nhưng không phải bệnh viện nào cũng có kinh phí để mua cồn rửa tay đặc hiệu đó. Vì thế, việc tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn để bệnh nhân không còn sợ bệnh viện cũng là điều rất đáng quan tâm.

Nỗi ám ảnh mang tên 'vào viện khoẻ - ra viện yếu'

Quá tải bệnh viện là nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn bệnh viện (Ảnh minh họa: Internet)

Gánh nặng cho ngành y

GS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm phát triển.

Điều này làm tăng tỉ lệ mắc bệnh, tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Đánh giá về công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại Việt Nam hiện nay, thứ trưởng Tiến chia sẻ còn rất nhiều bất cập, thực tế người bệnh vào viện khoẻ mà ra viện lại bệnh nặng còn tồn tại rất nhiều.

Nguyên nhân có thể là một số người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Do vậy, đầu tư cho hoạt động kiểm soát cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp để họ yên tâm công tác và cống hiến tâm huyết cho ngành.

Đặc biệt, đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách. Hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đều thiếu nhân lực so với quy định, lại chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách, do vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp và giám sát các vi sinh vật đa kháng kháng sinh. 

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện hiện nay mới tập trung vào công tác giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng vào công tác giám sát bao gồm giám sát thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện – Đây mới là nhiệm vụ trọng tâm của kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm bệnh cho người bệnh trong thời gian nằm viện.

Giáo sư Tiến nhấn mạnh, đặc biệt với mô hình bệnh tật của nước chậm phát triển và đang phát triển, các bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỉ lệ cao, nhiều bệnh dịch mới nổi có nguy cơ tử vong cao và gây dịch xuất hiện không chỉ tại cộng đồng mà ngày càng có xu hướng lây lan nhiều trong BV như Cúm A (H5N1,H1N1, H7N9,..), SARS, MER-CoV, Ebola,…. Đây là một trong những thách thức lớn trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!