Nỗi buồn giấu kín của bệnh nhân ung thư hậu môn

Cần biết - 11/24/2024

Nỗ lực chiến đấu với căn bệnh mang án tử, Paulette Crowther nói mình bị ung thư đại tràng.

Chỉ gia đình và bạn bè thân thiết biết bà mắc ung thư hậu môn giai đoạn 4.

'Khi nhắc đến từ hậu môn, mẹ thậm chí còn không dám nói to. Ung thư đại tràng có vẻ bình thường hơn với mẹ', con gái bà - Justine Almada - chia sẻ. Crowther phát hiện bệnh nhờ nội soi đại tràng sau một tổn thương trên hậu môn. Kết quả kiểm tra xác định là ung thư biểu mô tế bào vảy, đã lan đến hệ thống bạch huyết. Hai năm sau khi phát hiện bệnh, bà qua đời ở tuổi 53.

Theo Independent, việc phát hiện bệnh với Crowther là một cú sốc vì không có các yếu tố nguy cơ điển hình là nhiều bạn tình, giao hợp qua đường hậu môn, dương tính với HIV... 'Mẹ rất xấu hổ và sợ mọi người nghĩ rằng bà đã làm gì đó tồi tệ để dẫn đến căn bệnh ung thư này', Almada nói.

Nỗi buồn giấu kín của bệnh nhân ung thư hậu môn

Ảnh: independent.

Ung thư hậu môn là bệnh hiếm gặp. Tại Mỹ, hơn 8.000 người được chẩn đoán mỗi năm. Tỷ lệ mắc bệnh tăng gấp đôi trong ba thập kỷ qua và tiếp tục tăng khoảng 2% mỗi năm. Tại Anh, mỗi năm hơn 1.200 trường hợp ung thư hậu môn được phát hiện, chiếm 0,4% bệnh nhân ung thư mắc mới. Bệnh thường ảnh hưởng đến người ở độ tuổi 60 trở lên. Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng 130% kể từ cuối những năm 1970, phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Tiến sĩ Cathy Eng chuyên điều trị ung thư hậu môn tại Trung tâm Ung thư MD Anderson (Mỹ) cho biết phản ứng như của bệnh nhân Crowther là phổ biến. 'Có một sự kỳ thị với ung thư hậu môn, trong khi các loại ung thư khác không tồn tại điều này', tiến sĩ Cathy nói. Trước đây những người ung thư đại trực tràng và ung thư tinh hoàn cũng phải đối mặt với sự xấu hổ tương tự, cho đến khi được sự tác động của truyền thông và những người nổi tiếng thì điều này mới được xóa bỏ.

Tìm hiểu về ung thư trực tràng (Việt hóa bởi Ngọc Hòa/SongKhoe.vn).

'Ung thư hậu môn gắn liền với một phần cơ thể vốn nhạy cảm. Và yếu tố nguy cơ làm mắc bệnh cũng liên quan đến nhiều hoạt động tình dục', tiến sĩ Cathy phân tích. Định kiến với căn bệnh này khiến nhiều người ngại ngần khi đi khám, dễ bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo ban đầu như hậu môn ngứa hoặc chảy máu.

'Tôi nghĩ tôi mắc bệnh trĩ. Tôi đã chần chừ khi đi kiểm tra', Michele Longabaugh, một người được chẩn đoán bệnh năm 2010 chia sẻ. 'Nếu tôi bị ung thư vú, tôi muốn có tất cả sự hỗ trợ của mọi người. Với ung thư hậu môn, cảm giác mọi người dồn hết sự chú ý vào đời sống tình dục của mình khi công khai thông tin này', cô tiếp lời.

Hơn 90% trường hợp ung thư hậu môn là do virus gây u nhú ở người (HPV). Loại virus này cũng gây ra phần lớn các ca ung thư tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hầu họng (phần giữa của họng). HPV được truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc da với da hoặc thường thông qua giao hợp âm đạo, giao hợp qua đường hậu môn hay miệng.

Hầu hết mọi người sẽ bị nhiễm HPV vào một số thời điểm trong cuộc đời nhưng không phải tất cả đều phát bệnh. Nhiễm HPV kéo dài dẫn đến 27.000 chẩn đoán ung thư mỗi năm, trong đó có hơn 5.000 trường hợp ung thư hậu môn.

Đã 10 năm kể từ sự ra đời của văcxin HPV. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh khuyến cáo tiêm chủng thường xuyên cho cả nam và nữ bắt đầu từ tuổi 11 hoặc 12. Tuy nhiên chỉ có 40% trẻ nữ và 21% trẻ nam ở Mỹ được tiêm đầy đủ vắcxin HPV do phụ huynh chủ quan, chưa có sự quan tâm đầy đủ.

Hiện các nhà nghiên cứu đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng về sàng lọc cũng như điều trị ung thư hậu môn. Bệnh nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Khi bệnh ở giai đoạn tiến triển hơn, có thể kết hợp hóa trị và xạ trị liều cao. Nếu ung thư lan đến các hạch bạch huyết và di căn, việc chữa trị trở nên khó khăn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!