Nước không chỉ là chất giúp “nuốt” thuốc dễ dàng
Bắt đầu từ miệng, thuốc được đưa xuống thực quản qua ngã ba hầu họng, xuống dạ dày, ruột non... Tại ruột non, thuốc được hấp thu vào máu. Tim sẽ đưa thuốc theo máu phân bố tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể, trong đó có đích tác dụng. Tiếp theo, thuốc được chuyển hóa ở gan thành dạng không có độc tính hoặc ít độc hơn, dễ tan trong nước hơn và dễ dàng được thải trừ bởi thận qua nước tiểu.
Nước dùng để uống thuốc không chỉ đơn thuần là chất dẫn đưa thuốc từ miệng xuống ống tiêu hóa để hấp thu mà còn đóng vai trò là dung môi hòa tan thuốc, giúp thuốc khuếch tán đều khắp bề mặt ống tiêu hóa nên hấp thu tốt hơn. Đồng thời, uống nhiều nước sẽ giúp thuốc bài xuất nhanh hơn qua thận giúp giảm độc tính của nhiều loại thuốc.
Người bệnh nên uống đủ lượng nước cần thiết để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất của thuốc chữa bệnh.
Uống ít hay nhiều nước khi dùng thuốc đều có khả năng gây hại
Loại nước, lượng nước dùng để uống thuốc đều có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc do làm thay đổi mức độ hoặc tốc độ hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của thuốc. Nhiều trường hợp thậm chí gây ngộ độc cho người dùng. Lượng nước cần để uống thuốc phụ thuộc vào dạng bào chế và bản chất của dược chất.
Đối với thuốc có kích thước lớn hoặc viên nang:Uống thuốc với lượng nước không đủ có thể làm thuốc lắng đọng tại thực quản gây kích ứng, loét thực quản (nhất là với bệnh nhân nặng, không thể ngồi một thời gian sau khi uống thuốc hoặc người cao tuổi, thành thực quản khô do lượng dịch tiết ít). Bên cạnh làm thuốc không xuống được vị trí hấp thu, uống thuốc với quá ít nước có thể làm giảm độ tan dược chất, giảm khả năng hấp thu và gây ra tác dụng bất lợi trong một số trường hợp. Thuốc giảm đau chống viêm phi steroid- NSAID thường được sử dụng như aspirin, ibuprofen và naproxen nếu được uống với ít nước làm tăng nguy cơ gây kích thích thực quản hoặc dạ dày hoặc thậm chí gây loét, thủng dạ dày.
Với thuốc có tác dụng chậm:Ngược lại, với một số thuốc dạng viên giải phóng chậm hoặc viên bao tan trong ruột, nếu uống với quá nhiều nước có thể làm thuốc di chuyển quá nhanh trong lòng ống tiêu hóa và ra ngoài trước khi được hấp thu tại vị trí tối ưu.
Những loại nước ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc cần chú ý
Loại nước dùng để uống thuốc cũng có ảnh hưởng lớn tới khả năng hấp thu, chuyển hóa của các thuốc. Sữa, nước chè, cà phê, rượu bia, nước hoa quả, đồ uống có gas đều có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc làm tăng tác dụng dẫn tới ngộ độc.
Sữa: Trong sữa có nhiều thành phần có thể tạo phức không tan hoặc phân tử cồng kềnh và làm cản trở hấp thu nhiều loại thuốc (ion calci tạo phức với các kháng sinh nhóm tetracyclin, quinolone; protein liên kết với thuốc có ái lực cao với protein...).
Chè, cà phê: Tanin trong nước chè gây kết tủa nhiều thuốc có chứa sắt hoặc có bản chất alkaloid. Cafein trong chè, cà phê làm tăng tác dụng không mong muốn như nhức đầu, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp ở bệnh nhân đang điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm IMAO và làm giảm hiệu quả của các thuốc gây ngủ.
Rượu bia, đồ uống có cồn: Làm tăng khả năng gặp phải tác dụng không mong muốn của các thuốc có cùng kiểu độc tính. Như nguy cơ viêm, loét, chảy máu tiêu hóa khi dùng cùng NSAID, tăng nguy cơ viêm gan khi dùng cùng paracetamol, nguy cơ tụt huyết áp quá mức khi dùng cùng thuốc chống tăng huyết áp...
Các loại nước ép:Nước ép có tính acid làm mất tác dụng của các kháng sinh kém bền trong môi trường acid, nước ép bưởi chùm ức chế enzyme chuyển hóa thuốc ở gan dẫn đến ngộ độc những thuốc chuyển hóa qua gan do nồng độ thuốc trong máu tăng cao.
Nước uống có gas:Nước uống có gas làm thay đổi tốc độ rỗng của dạ dày và sự hấp thu của các thuốc dùng cùng.
Những lưu ý để lựa chọn nước uống thuốc
Trong hầu hết trường hợp, nước đun sôi để nguội là đồ uống thích hợp nhất vì không gây ra tương kỵ hay tương tác nào khi hòa tan thuốc. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, tìm kiếm thông tin về lượng nước nên uống với thuốc là ít hay nhiều. Lượng nước để uống thuốc sẽ tùy thuộc vào loại thuốc cần uống và các bệnh lý mắc kèm.
Nếu không chắc chắn về lượng nước nên uống, cần hỏi dược sĩ hoặc nhân viên y tế khác. Nếu cần dùng một loại thuốc với sữa, nước ép trái cây nào đó, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc này vào một thời điểm khác với các loại thuốc còn lại. Trường hợp cần kiêng ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (khi chuẩn bị phẫu thuật), tham vấn ý kiến của bác sĩ về việc dùng các loại thuốc cần uống. Trong một số trường hợp, có thể an toàn khi uống thuốc với một ngụm nước nhỏ.
Trong các trường hợp khác, có thể cần đưa thuốc bằng một con đường khác (tiêm, đặt trực tràng...) hoặc có thể tạm ngừng thuốc cho đến khi có thể uống nước. Tốt nhất hãy ngồi dậy khi nuốt thuốc và không nằm sớm hơn 30 phút sau khi uống thuốc.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!