Nuốt nghẹn kéo dài, coi chừng co thắt tâm vị

Cần biết - 11/24/2024

Co thắt tâm vị là một bệnh lý có tắc nghẽn đường thoát của thực quản liên quan đến tình trạng rối loạn vận động thực quản, khiến người bệnh nuốt nghẹn và gặp khó khăn về tiêu hóa.

Trường hợp điển hình là một bệnh nhân nữ 36 tuổi sống tại TP.HCM.Hơn một năm nay, chị này thường xuyên bị nuốt nghẹn, mức độ nghẹn cứ tăng dần.Bệnh nhân thi thoảng còn nôn ói cả khi ăn cơm, uống nước và thường xuyên đau ngực sau xương ức.

Nghĩ bệnh không có gì phức tạp, chị chủ quan không điều trị.

Tình trạng kéo dài khoảng một tháng dẫn đến bệnh nhân suy kiệt dần.Khó khăn trong việc ăn uống khiến chị ăn rất ít, sụt cân nhanh chóng và suy nhược cơ thể.

Khi thấy tình trạng nuốt nghẹn và sụt cân xảy ra liên tục, người bệnh mới chịu đi khám.Kết quả chẩn đoán cho thấy chị bị co thắt tâm vị.Các bác sĩ đã phải mở cơ tâm vị qua nội soi đường miệng (POEM) để điều trị bệnh lý này.May mắn ở lần tái khám sau đó, chị đã không còn nuốt nghẹn, đau ngực, viêm trào ngược dạ dày - thực quản.

Người bệnh ăn uống bình thường, tăng cân, da dẻ hồng hào, tinh thần lạc quan.

Một trường hợp khác, chàng trai 24 tuổi nhà ở Vĩnh Long cũng đến bệnh viện sau hơn 2 tháng nuốt nghẹn.Nghi u thực quản gây bít tắc, người thanh niên đi nội soi nhưng các bác sĩ không phát hiện bất thường. Tình trạng nghẹn kéo dài kèm theo những cơn đau đầu dữ dội đã khiến bệnh nhân phải đến BV. ĐH Y Dược TP.HCM khám.Kết quả cũng cho thấy người bệnh bị co thắt tâm vị.

Trường hợp thứ 3 là một cụ ông 72 tuổi ở Đồng Nai. Thường xuyên không thèm ăn và gặp khó khăn do tức ngực kèm chứng khó nuốt. Nghĩ cơ nuốt của người già đã “xuống cấp” theo quy luật tự nhiên của tuổi tác nên người bệnh không đi bệnh viện khám.

Cho đến khi cơ thể chỉ còn da bọc xương, con cháu trong gia đình vận động đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, cụ ông mới vỡ lẽ. Nguyên nhân khiến nuốt khó không phải vì tuổi già mà do bệnh lý co thắt tâm vị gây nên.

Nuốt nghẹn kéo dài, coi chừng co thắt tâm vị

TS.BS. Lê Quang Nhân - Trưởng Khoa Nội soi BV. ĐHYD cho biết, cơ tâm vị nằm ở 1/3 dưới của thực quản, nơi tiếp giáp giữa thực quản với dạ dày.Khi thức ăn đi từ thực quản xuống dạ dày, cơ tâm vị sẽ mở ra cho thức ăn đi qua.Sau đó, cơ tâm vị sẽ đóng lại để thức ăn không bị trào ngược trở lại.

Dù là bệnh lành tính nhưng co thắt tâm vị gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống

Triệu chứng ở giai đoạn đầu, người bệnh thỉnh thoảng có cảm giác nặng ngực do bị viêm trào ngược dạ dày - thực quản, nuốt nghẹn với cả thức ăn đặc và lỏng, sau đó nuốt nghẹn tăng dần kèm theo nôn ói sau ăn uống.

Người bệnh thường phải đứng hoặc ngồi nhiều giờ sau ăn để tránh tình trạng trên do thức ăn không thể đi xuống dạ dày như bình thường được, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ làm mất sức lao động và sụt cân.

Đến nay, vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây co thắt tâm vị.Đây là bệnh lý phổ biến.Dù là bệnh lành tính nhưng co thắt tâm vị gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Không xác định nguyên nhân chính xác nhưng thực tế điều trị ghi nhận bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là từ 18 - 40 tuổi, nữ có xu hướng bị bệnh nhiều hơn nam.Những người mắc bệnh thường ở dạng thần kinh không cân bằng, nhạy cảm, người cường hệ phó giao cảm.

Các nghiên cứu cũng cho thấy người ăn nhiều gluxid, ít protit, thiếu vitamin nhóm B; người có thói quen ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh; người mắc bệnh nhiễm khuẩn như sốt phát ban, lao, giang mai... hoặc nghiện rượu, thuốc lá, phơi nhiễm chất hóa học, rối loạn nội tiết…, thường mắc bệnh nhiều hơn.

Hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện, thực quản đã giãn to, nuốt nghẹn ở độ nặng, suy nhược cơ thể trầm trọng

Cơ chế tạo nên triệu chứng nghẹn: Bình thường sau khi nuốt, phần trên thực quản đóng lại gây phản xạ mở phần dưới, nhờ đó thức ăn đi theo nhu động của thực quản và trọng lượng của nó xuống dạ dày. Dây thần kinh X kiểm soát việc đóng mở này, còn việc điều chỉnh trương lực cơ thực quản là do hệ giao cảm chi phối.

Nếu có tổn thương thần kinh tại chỗ hoặc trung ương sẽ gây nên các rối loạn hoạt động thực quản, dẫn tới tình trạng phần dưới của thực quản không mở ra theo nhu động bình thường mà co thắt lại gây cản trở lưu thông của thức ăn đi xuống dạ dày.

Bệnh co thắt tâm vị thường tiến triển thầm lặng trong thời gian đầu nên ở giai đoạn này rất khó xác định bệnh.Thực tế thăm khám cho thấy hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện, thực quản đã giãn to, nuốt nghẹn ở độ nặng, suy nhược cơ thể trầm trọng.

Để xác định bệnh, các bác sĩ thường căn cứ vào tình trạng khó nuốt và nuốt nghẹn ở từng loại thức ăn.Ví dụ bệnh nhân uống được sữa nhưng uống nước khó, ăn được thức ăn lạnh, nhưng ăn thức ăn nóng khó hoặc ngược lại.Ngoài ra bệnh nhân còn thường xuyên có cảm giác nặng tức trong lồng ngực và đau vùng sau xương ức, nhất là sau khi ăn.

Nôn sau ăn cũng là một trong những triệu chứng nên nghĩ đến co thắt tâm vị.Tình trạng này thường xuất hiện ngay sau khi ăn, chất nôn thường có mùi chua nồng, thối, lẫn với thức ăn chưa tiêu và cả niêm dịch nhầy.Một số người cứ nằm là bị nôn.

Người bệnh có thể giảm ăn béo, nên ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin B, thức ăn nên mềm loãng

Ở thể “thầm lặng”, bệnh thường khiến thực quản giãn rất to, kèm triệu chứng của dạ dày, có đau vùng thượng vị, có cảm giác đầy hơi. Một số người đau tức ngực, khó thở, đánh trống ngực, đau nhói vùng trước tim nên dễ nhầm với bệnh tim mạch.

Ở thể tiến triển, bệnh nhân có những đợt bệnh nặng, khó uốt, nôn ọe, hết đợt bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường.

Riêng thể liệt, thực quản giãn rất to, hầu như không có nhu động và không có nôn ọe… Bệnh cần khám để chẩn đoán phân biệt với các bệnh đau tim, u trung thất, viêm loét dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày, ung thư thực quản.

Về chẩn đoán hình ảnh, chụp X-quang có thể thấy phần dưới thực quản bị chít hẹp trong khi phần trên bị giãn to, đoạn hẹp thực quản ngắn và sát ngay trên cơ hoành, phần trên thực quản giãn rất to và gấp khúc... Riêng soi thực quản sẽ thấy tâm vị đóng kín, niêm mạc bị viêm, phù nề, sung huyết, có nhiều vết loét...

Nuốt nghẹn kéo dài, coi chừng co thắt tâm vị

Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp những biến chứng như viêm loét thực quản; sẹo xơ gây chít hẹp thực quản, đoạn thực quản giãn to có thể chèn ép khí quản, tĩnh mạch, tim, gây viêm phổi, áp-xe phổi do trào ngược thức ăn. Nhiều khả năng bệnh còn có thể gây ung thư hoá tại vùng viêm mạn tính.

Hầu hết bệnh nhân bị suy dinh dưỡng ở giai đoạn cuối.

Về điều trị, người bệnh có thể giảm ăn béo, nên ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin B, thức ăn nên mềm loãng. Các bác sĩ còn có thể kê toa điều trị nội khoa bằng một số loại thuốc mở cơ tâm vị, hoặc thuốc điều trị rối loạn giao cảm, thuốc chống viêm và giảm xuất tiết niêm mạc thực quản…

Điều trị can thiệp, trước đây, co thắt tâm vị được điều trị bằng 2 phương pháp là nội soi nong tâm vị bằng bóng hoặc phẫu thuật Heller mở cơ tâm vị. Hạn chế của những phương pháp này là nguy cơ gây ra biến chứng.

Ngoài ra, hiện nay điều trị co thắt tâm vị còn bằng nội soi đường miệng (POEM).Nhời đó người bệnh không cần phải phẫu thuật, giảm thiểu rủi ro các biến chứng mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!