Ô nhiễm bụi mịn PM2,5 trong không khí nguy hại thế nào đối với sức khỏe?

Cần biết - 11/24/2024

Trước thông tin ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi mịn PM2,5 được giới chuyên gia gọi là 'sát thủ thầm lặng và toàn diện' vì không chừa một ai do bụi xâm nhập cơ thể suốt 24 giờ khi chúng ta hít thở khiến nhiều người lo lắng.

Để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ô nhiễm bụi mịn và mối nguy hại tới sức khỏe này, phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, TrườngĐại học Y tế công cộng xung quanh về vấn đề này.

PV:Là một giảng viên Sức khỏe Môi trường, xin TS cho biết, bụi PM2,5 là gì?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh:Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng Không khí Xung quanh (QCVN05:2013) của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì bụi PM2,5là tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet. Đây là những hạt bụi có kích thước rất nhỏ. Để dễ hình dung chúng ta hãy so với kích thước đường kính của 1 sợi tóc, thường là 50-70 micromet, nghĩa là đường kính của bụi PM2,5 nhỏ chưa đến 1/30 lần đường kính của sợi tóc.

Ô nhiễm bụi mịn PM2,5 trong không khí nguy hại thế nào đối với sức khỏe?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, TrườngĐại học Y tế công cộng.

PV:Vậy thưa TS, bụiPM2,5này hầu hết sinh ra từ đâu?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh:Bụi trong không khí nói chung và bụi PM2.5 thường phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ từ khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động của các nhà máy công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ trong nông nghiệp, các hoạt động sinh hoạt tại các hộ gia đình (đặc biệt là đun nấu và sưởi ấm bằng than, củi), từ khói thuốc lá…

Ví dụ ở Hà Nội mật độ giao thông ngày càng gia tăng và những năm gần đây cả thành phố như một đại công trường xây dựng khổng lồ nên tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội 2017 thì trên địa bàn thành phố có trên 1.000 công trường xây dựng lớn, nhỏ thi đang công và mỗi tháng có hơn 10.000m2 đường bị đào xới để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Xe chở các vật liệu xây dựng không được che chắc cẩn thận làm rơi vãi đất, cát xuống đường cũng là nguồn phát sinh bụi. Ngoài ra trên thế giới bụi PM2.5 cũng có thể có nguồn gốc từ núi lửa, bão bụi, cháy rừng…

PV:Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, rất nhiều người lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là ngày càng nhiều người mắc ung thư, vậy thưa TS, bụiPM2,5ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh:Bụi PM2,5được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2,5rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu.

Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tuỳ vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó nếu nồng độ bụi PM2,5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày là lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khoẻ cấp tính và mãn tính.

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Ví dụ phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.

Theo một nghiên cứu của GS Christopher J L Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí (trong đó có ô nhiễm bụi PM2,5) là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư.

Những nguyên nhân chính gây tử vong do ô nhiễm không khí là đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp.

Ô nhiễm bụi mịn PM2,5 trong không khí nguy hại thế nào đối với sức khỏe?

Bụi PM2,5được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ .

PV:Vậy làmthế nào để người dân biếtkhông khíđang bị ô nhiễmthưa TS?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh:Ô nhiễm không khí thường được đánh giá cả ô nhiễm hạt gồm bụi lơ lửng, bụi mịn PM2,5, bụi PM10 và cả các chất khí SO2, NO2, CO, O3, CO, VOCs (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi)… Người dân sống ở các thành phố lớn ví dụ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nơi có mật độ giao thông cao, nhiều công trình xây dựng và nhiều nhà máy… nên có nguy cơ bị phơi nhiễm với bụi PM2,5 và các chất ô nhiễm không khí.

Để biết mức ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 người dân có thể theo dõi chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) ở trên phần mềm Airvisual cài miễn phí trên điện thoại hoặc xem kết quả quan trắc môi trường không khí trên trang web về vấn đề môi trường (ví dụ trang moitruongthudo.vn) và bản tin dự báo thời tiết.

Hiện nay, sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có trang web cung cấp thông tin của 10 trạm quan trắc không khí tự động, cung cấp số liệu chất lượng không khí AQI PM2,5 và đồng thời có cả số liệu chất lượng không khí cho PM10 và các chất khí NO2, SO2 và CO. Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ số chất lượng không khí AQI chỉ đại diện cho chất lượng không khí ở xung quanh khu vực đặt trạm quan trắc và giá trị của chỉ số cũng thay đổi các giờ trong ngày và các ngày trong tuần.

Ngoài ra các trạm quan trắc đặt tại Hà Nội và nhiều trạm quan trắc ở các thành phố trên thế giới trong hệ thống phần mềm Airvisual chỉ báo cáo chất lượng không khí theo chỉ số AQI đối với bụi PM2,5nên chưa phản ánh toàn diện chất lượng không khí.

PV:Có thể nói bụi mịn gây nguy hại cho sức khỏe của con người, vậy trước mắt làm sao đểmỗi người dân có thể tựbảo vệ sức khỏe trướctác hại củaô nhiễm không khí, thưa TS?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh:Người dân sống ở các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên chủ động dự phòng tác hại của ô nhiễm không khí.

Với những ngày hoặc các thời điểm trong ngày khi chỉ số AQI kém, xấu đến nguy hại (thể hiện bằng màu cam, đỏ, tím, nâu) thì chúng ta nên giảm các hoạt động thể lực, hạn chế ra đường đặc biệt là giờ cao điểm và nếu phải ra ngoài đường thì nên sử dụng khẩu trang loại tốt có thể lọc bụi PM2,5. Những người nhạy cảm ví dụ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, bệnh nhân mắc bệnh hen, COPD, các bệnh tim mạch… thì càng cần đặc biệt chú ý hơn.

Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng chúng ta không chỉ bị tác động bởi ô nhiễm không khí xung quanh mà ô nhiễm không khí trong nhà cũng rất đáng lo ngại. Phần lớn thời gian chúng ta ở trong nhà (tại gia đình và nơi làm việc), do đó để giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khoẻ trước ô nhiễm không khí trong nhà, chúng ta nên:

-Hàng ngày nếu chất lượng không khí ngoài trời tốt thì nên mở cửa sổ để thông gió đảm bảo thoáng khí giúp giảm nồng độ bụi, chất ô nhiễm không khí tích tụ trong nhà và không hình thành nấm mốc.

-Không đượchút thuốc trong nhà.

-Nên hạn chế thắp hương đốt vàng mã.

-Thường xuyên vệ sinh trong nhà sạch sẽ để loại bỏ bụi, vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh.

-Trồng một số loại cây trong và xung quanh nhà có khả năng “làm sạch” không khí.

-Không nên sử dụng chất đốt sinh khối (than, củi, rơm rạ). Nếu sử dụng thì nên dùng bếp lò không khói và mở cửa cho thông thoáng.

-Không nên đốt than để sưởi ấm trong mùa đông trong phòng kín để tránh ngộ độc khí CO.

-Không nên đi giày dép bẩn vào trong nhà.

Xin trân trọng cảm ơn TS!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!