Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu phiên thứ 17, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: 'Phải phấn đấu đến năm 2020 cả nước đạt 2% dân số hiến máu, đây cũng là mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt'.
Theo thống kế của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, năm 2015 cả nước đã đạt 1.156.649 đơn vị máu, đạt 117,8% kế hoạch năm và tăng 9,7% so với năm 2014. Trong đó người hiến máu tình nguyện (chiếm 96,9%); tương đương 1,26% dân số hiến máu, nếu tính quy đổi (1 đơn vị 350ml bằng 1,4 đơn vị 250ml) thì cả nước đã đạt tỷ lệ 1,4% dân số tham gia hiến máu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phát biểu tại Hội nghị
Trong các tỉnh đạt tỷ lệ trên 2% dân số hiến máu phải kể đến Đà Nẵng là địa phương đạt tỷ lệ cao nhất (3,68%), tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh (2,62%), Hà Nội (2,59%) và Cần Thơ (2,09%). Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, đây là tỷ lệ tăng khá trên toàn quốc và các thành phố lớn, tuy nhiên theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, lượng máu tiếp nhận được tại các trung tâm lớn phải tăng gấp nhiều lần các địa phương khác, vì ở đó nhu cầu truyền máu cao hơn do tập trung các bệnh viện tuyến chuyên sâu và đây cũng là nơi có nguồn người hiến máu dồi dào hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ hiến máu nhắc lại (hiến máu thường xuyên) của Việt Nam đạt hơn 40%, số đơn vị tiểu cầu gạn tách từ 1 người hiến là 54.868 đơn vị.
Năm 2015, nhiều chương trình, sự kiện hiến máu được tổ chức trên quy mô toàn quốc như 'Chiến dịch vận động HMTN dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng', chiến dịch 'Những giọt máu hồng' hè và chương trình 'Hành trình Đỏ', 'Ngày toàn dân HMTN' – 7/4, sự kiện 'Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu' – 14/6, chương trình 'Chủ Nhật đỏ' và hàng trăm sự kiện hiến máu tại các địa phương.
Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tụckiện toàn, lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động HMTN được duy trì và mở rộng: Đến nay, cả nước có hơn 98% quận/huyện và hơn 71% xã/phường lập Ban Chỉ đạo; có gần 2.800 câu lạc bộ HMTN với hơn 114.000 thành viên. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hiến máu tiêu biểu từ 50, 60 lần đến gần 100 lần; nhiều gia đình, dòng họ hiến máu tiêu biểu; nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức hiến máu thường xuyên 2-3 ngày hiến máu/một năm.
Tuy nhiên, công tác vận động hiến máu vẫn còn một số hạn chế nhất định như: tình trạng thiếu máu vẫn diễn ra trầm trọng vào một số thời điểm trong năm như dịp hè và Tết Nguyên đán, đặc biệt là thiếu từng nhóm máu riêng lẻ nhóm A, O. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại chỉ đạt trên 40%, trong khi ở các nước có phong trào hiến máu phát triển như Nhật Bản, Singapore, Úc, thậm chí là Lào, tỷ lệ này đạt từ 60 – 70%.
Ở một số địa phương, do năng lực tiếp nhận và sử dụng máu còn hạn chế cho nên chưa đáp ứng được sự lớn mạnh của phong trào. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác tuyên truyền vận động tại nhiều địa phương vẫn còn hạn chế.
GS. TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phát biểu tại hội nghị
Năm 2016, mục tiêu toàn quốc sẽ tiếp nhận được từ 1.184.000 - 1.185.000 đơn vị máu, trong đó, tỷ lệ người HMTN đạt từ 97,5 – 98%, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại đạt từ 42 – 45%, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 1,4% dân số hiến máu.
Các hoạt động trọng tâm tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện như: cải tiến cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận động hiến máu, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về HMTN, tăng cường đào tạo, tập huấn và phát triển nguồn người HMTN, sửa đổi quy chế tôn vinh, khen thưởng… Các chiến dịch, sự kiện hiến máu lớn tiếp tục được tổ chức trên quy mô toàn quốc như: Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật đỏ, Hành trình Đỏ, Chiến dịch Những giọt máu hồng hè…
Như vậy, với đà tăng trưởng của phong trào hiến máu tình nguyện, đồng thời được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong những mục tiêu của chương trình Quốc gia về y tế, dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ hiến máu tình nguyện tại Việt Nam sẽ đạt 100%, lượng máu tiếp nhận được dự kiến tương đương 2% dân số.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành y tế với hy vọng chấm dứt được tình trạng thiếu máu, song song với đó, hoạt động hiến máu tình nguyện tại Việt nam vẫn cần được chú trọng, đầu tư để phát triển bền vững, vì 2% dân số hiến máu mới chỉ là con số tối thiểu mà WHO khuyến cáo cho tất cả các quốc gia trên thế giới.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!