Với đặc điểm vị trí địa lý nằm gần xích đạo, về mùa hè nước ta thường có thời gian nắng kéo dài. Một số bệnh da có thể khởi phát hoặc bị kích hoạt, nặng lên khi người bệnh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Biểu hiện bệnh da do ánh nắng
Ánh sáng có nhiều dải sóng khác nhau trong đó có tia hồng ngoại, tử ngoại, ánh sáng trắng… Một số bệnh da có thể khởi phát hoặc bị kích hoạt, nặng lên khi người bệnh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Bệnh phát ban đa dạng do ánh sáng là một bệnh da mắc phải nhưng cơ chế bệnh sinh chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là phơi nhiễm nhiều với ánh nắng. Bệnh thường khởi phát vào mùa hè, xuất hiện các ban, sẩn đỏ, các sẩn - mụn nước, thậm chí có bọng nước ở vị trí da hở như mặt, cổ vùng tam giác cổ áo, cánh tay, cẳng tay và mu tay, mu chân. Tổn thương thường xuất hiện sau vài ngày đến vài tuần tiếp xúc với ánh nắng và có thể giảm sau một vài ngày khi ngừng tiếp xúc. Các thương tổn da thường kèm theo các biểu hiện ngứa, có thể hơi rát bỏng, châm chích.
Vấn đề quan trọng nhất trong điều trị phát ban đa dạng do ánh sáng đó là tránh nắng. Đơn giản nhất là sử dụng các biện pháp tránh nắng bằng cách đội mũ rộng vành, đeo kính râm, bịt khẩu trang, mặc quần áo dài và che kín hết toàn thân. Tuy nhiên, tia tử ngoại trong ánh nắng vẫn có thể vượt qua lớp che chắn cơ học này. Sử dụng kem chống nắng có độ chống nắng (SPF) từ 30 trở lên kèm theo các biện pháp che chắn trên sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kem chống nắng khác nhau. Khi dùng kem chống nắng cần chú ý một số điểm sau đây: Chọn kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên. Bôi kem chống nắng trước khi đi ra ngoài ít nhất 20 phút. Khi ra nhiều mồ hôi hoặc làm việc trong môi trường nước, phải bôi lại kem sau mỗi 2 giờ. Chọn loại kem không có phản ứng kích ứng hoặc gây dị ứng với da.
Một số hình ảnh phát ban do ánh nắng.
Dùng thuốc thế nào?
Sử dụng thuốc điều trị phát ban đa dạng do ánh sáng bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Các thuốc bôi tại chỗ có thể sử dụng là kem corticoid loại nhẹ và vừa như: hydrocortisone, triamcinolon,... kem chống ngứa kháng histamin như promethazin. Trường hợp nặng cần dùng cả thuốc đường uống như: steroid, thuốc kháng sốt rét tổng hợp, một số loại vitamin, thuốc ức chế miễn dịch...
Hydroxychloroquine là thuốc diệt ký sinh trùng sốt rét, tuy nhiên trong các bệnh da nhạy cảm ánh sáng, chloroquine được sử dụng với tác dụng ức chế hóa ứng động bạch cầu ưa acid, ức chế hoạt hóa bạch cầu đa nhân trung tính và bổ thể nên có tác dụng điều hòa miễn dịch tại chỗ. Cần chú ý một số tác dụng phụ có thể gặp là: rối loạn tiêu hóa, chán ăn, nhức đầu. Thuốc có thể gây đục giác mạc và tổn thương võng mạc nên cần theo dõi nếu dùng thuốc kéo dài.
Azathioprin là loại thuốc ức chế miễn dịch có cơ chế ức chế phân bào, thường được dùng điều trị các bệnh tự miễn như viêm bì cơ, lupus ban đỏ hệ thống, pemphigus… Trong bệnh phát ban đa dạng do ánh sáng azathioprin có thể được sử dụng, tuy nhiên cần thận trọng vì các tác dụng phụ của thuốc như: giảm bạch cầu, tiểu cầu, độc với gan, thận, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát...
Vitamin A, niacin cũng được dùng với tác dụng bảo vệ da khỏi tác động của ánh sáng. Dùng vitamin A liều 5.000 UI hàng ngày, trong 4-6 tuần kết hợp với các phương pháp khác làm tăng hiệu quả điều trị.
Prednisolon và methylprednisolon cũng được dùng trong các trường hợp phát ban đa dạng do ánh sáng nặng, dai dẳng. Nhóm thuốc này cần thận trọng khi sử dụng do tác dụng phụ như: tăng huyết áp, tăng đường máu, loét dạ dày, loãng xương, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát.
Tia UVA và UVB được sử dụng trong liệu pháp tăng cường khả năng dung nạp của da với ánh sáng. Chiếu liều tăng dần giúp da thích nghi và dung nạp dần. Ngoài ra, UVA và UVB còn có tác dụng ức chế miễn dịch tại chỗ, giảm phản ứng viêm tại chỗ của da.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!