Đây là thời điểm đầu mùa mưa, là điều kiện vô cùng thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh SXH phát triển. Đáng lo ngại nhất là lứa tuổi trẻ em vì nếu trẻ bị mắc bệnh dễ bị nặng, do vậy, các bậc phụ huynh cần chăm sóc tốt cho đối tượng này.
Cách phát hiện bệnh SHX ở trẻ em
Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt với các đặc điểm: sốt đột ngột, liên tục và sốt cao. Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày với biểu hiện rất đa dạng: chảy máu cam, chảy máu dưới da, nôn hay tiểu ra máu. Tuy nhiên, có những trẻ hoàn toàn không bị xuất huyết, bệnh chỉ biểu hiện với các triệu chứng sốt, ho, đau họng cho nên có thể nhầm với viêm họng.
Bệnh SXHD xảy ra phức tạp, đặc biệt là biến chứng sốc có thể dẫn đến tử vong, vì vậy được chia thành 4 thể bệnh (cấp) để tiện cho việc theo dõi đánh giá và tiên lượng bệnh.
Ở cấp 1, người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết. Cấp 2, người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết (xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, khạc ra máu, thậm chí nôn ra máu, tiểu ra máu hoặc kinh nguyệt kéo dài (nữ giới). Ở cấp 3, người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc và cấp 4 thì đã bị sốc nặng.
Đặc biệt, cần lưu ý là xuất huyết không phải là một triệu chứng bắt buộc, có hay không xuất huyết thì bệnh vẫn có thể xảy ra sốc. Sốc là biến chứng nguy kịch nhất của bệnh SXH. Đa số trẻ SXH bị tử vong là do sốc nặng.
Sốc là một hội chứng (gồm nhiều triệu chứng) với sự thể hiện tụt nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt giảm xuống dưới mức bình thường), nếu thân nhiệt giảm cùng với thời điểm của thuốc hạ nhiệt tác động mạnh thì rất nguy hiểm. Người bệnh có thể bị giảm tri giác, tinh thần biểu hiện kém lanh lợi, lờ đờ, thậm chí lơ mơ, mê sảng. Kèm theo các biểu hiện đó là tụt huyết áp.
Muỗi mang vi-rút SXH gây bệnh cho trẻ.
Chăm sóc trẻ bị SXH như thế nào?
Khi nghi ngờ bị SXH thì cần đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế gần nhất và khi đã được bác sĩ chẩn đoán là bị SXHD thì cần tuân theo sự tư vấn của bác sĩ. Trẻ sốt xuất huyết cấp 1 sẽ được điều trị tại nhà theo đơn, có hẹn ngày khám lại.
Với cấp 2 thì trẻ có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ hoặc nhập viện nếu xét thấy cần thiết. Ở đây, cần lưu ý là “theo dõi” tại gia đình 24/24giờ chứ không phải cho về không cần can thiệp gì. Cần theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần.
Trong trường hợp dùng cặp nhiệt độ điện tử thì trước khi cặp cho trẻ nên cặp thử trên người bình thường để đánh giá tính xác thực của dụng cụ điện tử dùng đo thân nhiệt, nếu thấy sai lệch thì nên thay bằng nhiệt kế thủy ngân.
Cần cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không nên để trẻ nô đùa nhiều và nên tránh dùng quần áo quá dày hoặc mặc nhiều áo quần hay ủ kín trẻ. Nếu nhiệt độ của trẻ trên 38oC, cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt loại paracetamol đơn chất với liều lượng từ 10 - 15mg/kg trọng lượng cơ thể trẻ, cứ 6 giờ/lần nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Sau khi uống thuốc hạ nhiệt 1 giờ, cần đo lại nhiệt độ. Tuyệt đối không dùng aspirin vì chất này sẽ làm rối loạn đông máu gây chảy máu kéo dài rất nguy hiểm cho người bị SXHD, đặc biệt là trẻ em.
Nếu thân nhiệt của trẻ trên 37 độ, dưới 38 độ thì không cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần lau mát cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm (nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của trẻ vài ba độ) để làm thoát nhiệt cho trẻ dễ dàng.
Khi trẻ bị sốt cao trong một thời gian dài (trên 39độ) sẽ làm cho trẻ bị mất nước và các chất điện giải kèm theo, dẫn đến rối loạn thần kinh, thậm chí co giật. Vì vậy, cần cho trẻ uống nhiều nước để bù dắp lượng nước bị mất do sốt, nếu trẻ uống được nước pha từ oresol thì càng tốt.
Nếu không có oresol, có thể cho trẻ uống nước gạo rang hoặc nước muối (cho 2 thìa cà phê muối ăn cùng với 8 thìa cà phê đường trong 1 lít nước đun sôi, để nguội, uống dần trong ngày). Nên cho trẻ uống thêm nước cam, chanh tươi để có thêm sinh tố C. Khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng nôn mửa, miệng nhạt, lười ăn hoặc không chịu ăn, làm cho trẻ ăn không đủ lượng thức ăn cần thiết nên dễ bị hạ đường huyết.
Theo dõi thân nhiệt khi trẻ có biểu hiện sốt.
Để đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn hàng ngày, dễ tiêu. Nếu trẻ ăn ít hoặc bị nôn mửa thì cần cho trẻ ăn nhiều bữa để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ, tránh bị suy kiệt sau SXHD. Cần tránh các loại thức ăn có nhiều mỡ. Trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian. Cần dùng thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ.
Phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay
Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường như hạ thân nhiệt, xuất huyết (xuất huyết dưới da, chảy máu cam, nôn ra máu…) phải khẩn trương cho trẻ đi bệnh viện ngay không được chần chừ.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!