Về nội dung, chương trình phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau đối với 4 dự án luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, gồm: Dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Xem xét, cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội. Cho ý kiến về chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 và Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 47.
Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến của UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Theo đó, có 4 nội dung lớn được đưa ra xin ý kiến tại phiên họp của UBTVQH, đó là: Về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú (Điều 2); Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21); Về xóa đăng ký thường trú (Điều 25) và xóa đăng ký tạm trú (Điều 30); Về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 và Điều 40).
Thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của của Dự án luật, nhiều đại biểu đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu cho ý kiến tại Kỳ họp 9. Cho ý kiến về điều kiện tạm trú, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần cố gắng tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho người dân về chỗ ở nhưng công tác quản lý của cơ quan nhà nước vẫn hiệu quả. Đây là yêu cầu cao nhằm đảm bảo điều kiện sinh sống của người dân, đảm bảo quyền học tập, thực hiện các chính sách cứu trợ, thảm họa, các chính sách an sinh xã hội. Để phù hợp với yêu cầu mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu tiếp tục tăng cường quản lý theo hướng giảm thủ tục hành chính, giảm các điều kiện giấy tờ không cần thiết; Không thể lấy điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú để ngăn chặn tình trạng người dân ở nông thôn di chuyển vào các thành phố lớn sinh sống và làm việc.
Liên quan đến vấn đề thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 và Điều 40), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định có một số ý kiến lo ngại không đủ thời gian thực hiện nhưng Chính phủ, Bộ Công an khẳng định đủ thời gian thưc hiện chuyển tiếp. Nếu trong quá trình thực hiện, có vướng mắc thì Quốc hội có thể ra nghị quyết gia hạn thêm thời gian thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc đưa ra mốc thời gian cụ thể để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cố gắng phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra bởi thực tế, hiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cũng đang được triển khai. Vì vậy, chúng ta cần ủng hộ cái mới.
Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực là từ ngày 01/7/2021. Trong quá trình thẩm tra, thảo luận còn một số ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Pháp luật và Ban Soạn thảo tiếp tục trình Quốc hội những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong kỳ họp tới.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!